Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2019 (Vietnam ICT Summit 2019) đã diễn ra thảo luận nhiều chuyên đề: Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - Phát triển hạ tầng ICT và các công nghệ nền tảng; Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - Nền tảng ứng dụng; Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước; Chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Liên quan đến chuyên đề “Chuyển đổi số cho các cơ quan Nhà nước” đã thông tin kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện. Trong số 8.093 doanh nghiệp trả lời khảo sát, có tới 23% cho biết họ phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước. Gần 30% doanh nghiệp cho biết họ vẫn phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký, và vẫn có khoảng 38% doanh nghiệp không đồng ý với nhận định rằng, thủ tục giấy tờ đã đơn giản hơn.
Ông Cao Hoàng Anh – Phó Tổng Giám đốc FSI cho rằng, thủ tục hành chính phiền hà vẫn là khó khăn lớn mà nhiều doanh nghiệp và người dân hiện nay phải đối mặt. Để giải quyết thách thức này cần xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về hồ sơ thủ tục hành chính, tích hợp với các hệ thống phần mềm dịch vụ công sẵn có thông qua việc Số hóa thông tin và Quy trình nghiệp vụ.
Đồng thời, áp dụng công nghệ nhận dạng, trích xuất thông tin tự động từ các hồ sơ, tài liệu, biểu mẫu… Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực xử lý thủ tục hành chính.
Đại diện của FSI cũng đã giới thiệu một số giải pháp công nghệ như: Giải pháp số hóa tạo lập cơ sở dữ liệu D-IONE, Hệ thống lưu trữ, quản lý tài liệu và dữ liệu DocEye, Công nghệ nhận dạng và bóc tách thông tin tự động IONE góp phần giải quyết các vấn đề lưu trữ, tạo lập cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và khai thác dữ liệu.
Diễn đàn còn có các phát biểu cam kết và tuyên bố của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về các chương trình hành động, hoạt động thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.
Đề án chuyển đổi số quốc gia hiện đang được Bộ Thông tin - Truyền thông giao cho Cục Tin học hóa trực tiếp soạn thảo. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ trình Đề án này trong tháng 11/2019. Khi được ban hành, Đề án chuyển đổi số quốc gia sẽ là cơ sở, định hướng để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số của từng lĩnh vực, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.