Công nghệ lạc hậu, quy mô có vấn đề!

Công nghệ lạc hậu, quy mô có vấn đề!
TPO - Trao đổi với Tiền phong chiều 23/5 về quy mô và công nghệ mà tập đoàn Eminence dự định đưa vào áp dụng trong dự án, ông Đinh Huy Tam cho biết có nhiều điều đáng lưu ý để phản đối dự án này.

Sự phản đối này liên quan đến những vấn đề về quy mô và công nghệ lạc hậu mà Eminence dự định đưa vào dự án.

Theo ông Tam, những dự án sản xuất thép có công suất từ 5 – 7 triệu tấn/năm đã được liệt vào dự án lớn. Nếu thành hiện thực thì sẽ là dự án về thép có quy mô “siêu khổng lồ” trên thế giới.

Ông Tam cũng đưa ra sự so sánh việc đầu tư của Eminence với Thép Bảo Sơn - Tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc: Sau nhiều năm Bảo Sơn mới có thể nâng công suất lên 20 triệu/tấn năm.

Trong khi đó Eminence, được coi là ngoại đạo trong ngành thép vì đến nay chưa có tập đoàn thép lớn nào trên thế giới biết đến Eminence, lại đưa ra dự án tới 30 triệu/tấn năm vào giai đoạn 2 của dự án.

“Đọc phác thảo đầu tư của dự án, tôi nhận thấy giai đoạn đầu của dự án sử dụng 4 lò cao, mỗi lò công suất 550.000 tấn/năm. Đây là loại công nghệ mà Trung Quốc đã cấm đưa vào sử dụng ở nội địa.

Theo quy định thì những dự án đầu tư về thép trong nội địa ở Trung Quốc hiện nay phải sử dụng các lò cao có công suất 1.000.000 tấn/năm trở lên. Những dự án ở khu vực gần bờ biển phải sử dụng lò cao có công suất ở mức 3.000.000 tấn/năm trở lên”- Ông Tam cho biết.

Là nước đi sau, Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm từ quy định trên của Trung Quốc. Các nhà máy sử dụng lò có công suất thấp (cỡ 500.000 tấn/năm như trên) bị xếp vào loại công nghệ lạc hậu do tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu quả sản xuất thấp và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường.

“Các dự án nhà máy thép ở Việt Nam từ trước đến nay sử dụng lò cao nhỏ. đầu tư manh mún nên dẫn đến việc ngành thép mãi không lớn được. Chúng tôi đã từng khuyến cáo việc đầu tư các công trình về thép ở Việt Nam cần phải có quy mô kinh tế ở mức tối thiểu trở lên.

Nếu cho phép các dự án nước ngoài sử dụng công nghệ như đã nói ở trên thì Việt Nam có thể trở thành bãi thải công nghệ của các nước khác”- Ông Tam nhấn mạnh.

Cũng theo đánh giá của ông Tam, trừ dự án Thép Phú Mỹ và dự án Thép Phú Mỹ II (cùng ở Phú Mỹ) là hai dự án tương đối lớn còn các dự án thép khác ở Việt Nam vẫn ở mức nhỏ, về lâu dài cần có sự quy hoạch với sự định hướng của Bộ Công nghiệp.

MỚI - NÓNG