Công nghệ hiện đại chào hàng ngành dệt may

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàng trăm loại máy móc hiện đại, thiết bị phụ liệu của nhiều quốc gia đã tiếp thị, chào hàng các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam.

Ngày 27/7, tại TPHCM đã khai mạc triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2022. Đây là triển lãm chuyên ngành dệt may lớn nhất tại Việt Nam được tổ chức lại kể từ năm 2019.

Công nghệ hiện đại chào hàng ngành dệt may ảnh 1

Máy móc hiện đại được giới thiệu tại triển lãm ngành dệt may

Sự kiện có 278 đơn vị tham gia đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Vương quốc Anh, USA, Việt Nam... Tại đây, các DN đã giới thiệu các thiết bị và nguyên phụ liệu với công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay cho thị trường dệt may tại Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công thương cho biết, dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Ngành này không chỉ đóng vai trò là ngành sản xuất công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao mà góp phần ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Hiện ngành này đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 40 tỷ USD, thu nhập trung bình của lao động trong lĩnh vực dệt may khoảng 3.800 USD/người/năm.

Công nghệ hiện đại chào hàng ngành dệt may ảnh 2

Có thiết bị hiện đại, ngành dệt may sẽ đỡ phần nào khó khăn thiếu lao động

Theo ông Tài, kim ngạch xuất khẩu dệt may dù cao nhưng giá trị gia tăng còn ở mức thấp, ngành chưa chủ động được nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá.

“Ngành dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất” – ông Tài nhấn mạnh.

Triển lãm còn có chuỗi hội thảo như: Đánh giá tác động của chính sách kiểm soát phát thải khí carbon trên thế giới đến sản xuất và kinh doanh hàng dệt may; Giải pháp chuyển đổi số cho thách thức về nguồn nhân lực ngành dệt may; Truy xuất nguồn gốc nguyên liệu trước tác động của tình hình địa chính trị mới; Các biện pháp phòng vệ thương mại dệt may – da giày trong hiệp định thương mại tự do; Kết nối cung – cầu chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sau dịch bình thường mới và phát triển thương hiệu các nguyên phụ liệu dệt may. Triển lãm kéo dài đến ngày 30/7.

MỚI - NÓNG