Công khai minh bạch tiền lương

Công khai minh bạch tiền lương
TP - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định: “Việc trả lương phải công khai, minh bạch. Đó chính là hình thức giám sát tốt nhất và hiệu quả nhất”.

>> Cần quy định chặt chẽ để bịt kẽ hở về lương

Tuần qua, bạn đọc báo Tiền Phong quan tâm đến câu chuyện lương bổng cho vị trí CEO ở một số đơn vị doanh nghiệp Nhà nước. Trong tuần, các nhà nghiên cứu cũng tham gia góp ý kiến để giúp cho việc quản lý được tốt hơn, khắc phục những bất cập trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế đất nước.

Công khai minh bạch tiền lương ảnh 1

Không nên kiêm nhiệm

Nhìn lại câu chuyện trả lương ở Tổng Cty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Cty Cổ phần hàng không Jetstar Pacific (JP), ý kiến và giải pháp của ông là  gì?

Ý kiến về việc trả lương thưởng cao hay thấp rất khác nhau, mỗi người có cách nhìn nhận tích cực riêng. Cái quan trọng là mình lấy tiêu chí nào để soi việc đó đúng hay sai. Nếu lấy tiêu chí quy định của nhà nước áp vào thì sai. Vấn đề tại sao không đúng với quy định của nhà nước mà vẫn làm được. Đó là điều phải suy xét, phải mổ xẻ.

Công khai minh bạch tiền lương ảnh 2

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.- Ảnh: Thục Quyên

Lấy ví dụ, Bộ Tài chính và Bộ LĐ, TB&XH là hai cơ quan quản việc đơn giá tiền lương và các vấn đề liên quan. Bộ Tài chính thì có Bộ trưởng  và Thứ trưởng ngồi trong HĐQT, Tổng giám đốc đơn vị lại là nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính. Vậy khi đơn vị này trình lương lên thì ai ký?

Với cách làm này có gì đó không ổn trong việc thiết lập cơ cấu, cách thức quản lý doanh nghiệp Nhà nước nói chung hay cách thức thực hiện quyền chủ sở hữu nói riêng. Có sự xung đột về lợi ích.

Nói đến quy định của pháp luật và cách thức tổ chức của mình làm sao mà người giám sát ở vị trí đích thực và giám sát được. Còn giao cho anh giám sát nhưng anh ở vị thế không thể giám sát được thì không ổn.

Nếu cứ giữ như cơ chế hiện nay về phê duyệt tiền lương như vậy thì cơ cấu về quản trị công ty cổ phần vốn Nhà nước phải có sự thay đổi, các công chức nhà nước không nên kiêm nhiệm quá nhiều chức.

Ví dụ như ở SCIC phải thuê chuyên gia và có hợp đồng xác định rõ trách nhiệm, cách thức đánh giá, giám sát thực hiện. Như vậy sẽ tách biệt được chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý điều hành hoạt động kinh doanh.

Vấn đề này ở ta nói 20 – 30 năm nay rồi. Nói thì ai cũng hiểu cả nhưng chưa làm được mà thôi.

Người đại diện vốn phải chịu trách nhiệm

Mục đích ra đời SCIC là để tách chức năng quản lý nhà nước và chủ quản doanh nghiệp của bộ, ngành, thưa ông?

SCIC là chủ sở hữu ở các công ty khác nhưng vấn đề ai là chủ sở hữu của SCIC? Nó không giải quyết được vấn đề một cách dứt điểm. Nhìn từ giác độ quản trị công ty thì vấn đề tiền lương, thưởng của người quản trị công ty là vấn đề cốt lõi.

Chưa có mô hình nào xử lý một cách triệt để giữa việc người chủ sở hữu giám sát được những người quản lý để những người này không lạm dụng quyền lực phục vụ lợi ích cho mình mà phải tận trung, tận tụy làm việc để đáp ứng lợi ích tối đa của chủ sở hữu.

Thông thường người ta xử lý bằng cách phải trả lương theo lợi ích, theo hiệu quả hoạt động kinh doanh. Mà hiệu quả hoạt động kinh doanh đo lường bằng tiêu chí nào lại phụ thuộc vào từng chiến lược phát triển của công ty.

Nếu anh đạt được mục tiêu thì được cộng thêm từng này tiền thưởng. Khi làm được điều đó thì phải công khai việc đó ra. Vì vậy cần công khai hóa kế hoạch, chỉ tiêu, đặc biệt là tiền lương cho người quản lý.

Ngoài ra cần có hệ thống giám sát nội bộ do những đội, hoặc ủy ban về tiền công, tiền lương hoạt động độc lập giám sát việc thực hiện trả tiền công, tiền lương cho các lãnh đạo.

Hàng năm các đội, ủy ban này sẽ có đánh giá. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì anh sẽ phải ra khỏi vị trí đó để bổ nhiệm người khác.

Đây là việc mà ở các công ty Nhà nước hiện đang rất cứng nhắc theo kiểu hành chính. Nên khó nói được trả 800 triệu hay 1 tỷ đồng/năm là cao hay thấp, mà vấn đề là khi được nhận số tiền đó thì họ làm được cái gì.

Quan trọng là hàng năm anh đặt mục tiêu gì, làm được việc gì, tiền lương của anh so với mặt bằng chung thế nào. Nếu không làm được thì ở mức độ nào đó người ta có quyền đặt nghi ngờ về năng lực của anh trong việc điều hành một tổng Cty, dù anh rất giỏi về hoạch định chính sách.

Công khai minh bạch tiền lương ảnh 3

Thua lỗ nhưng JP vẫn trả lương hơn 2 tỷ đồng /năm cho lãnh đạo (trong ảnh hành khách lên máy bay JP) - Ảnh: Bảo Khánh

Còn riêng những Cty làm ăn thua lỗ mà trả lương cao đến hàng tỷ đồng/năm thì có vấn đề rồi. Lỗ như vậy nhưng trong mấy năm liền lương của anh vẫn cao thì rõ ràng cách quản trị không ổn. Anh làm ăn lỗ mà vẫn giữ ở vị trí đó. Phải tìm người khác thay thế để làm cho nó tốt. Đó là việc luôn luôn phải có.

Phải chăng ở đây có kẽ hở pháp luật và lãnh đạo Cty đã tận dụng?

Không có kẽ hở nào cả, chỉ có không thực thi đúng pháp luật mà thôi.

Vậy trường hợp thua lỗ của JP nhưng vẫn trả lương trên 2 tỷ đồng/năm cho lãnh đạo thì là lỗi của ai?

Của người đại diện vốn Nhà nước. Anh không đặt ra chiến lược của nó là gì, sinh ra JP để tạo ra giá trị gì cho xã hội? Những người quản lý phải đạt được mục tiêu đó mới được hưởng lương.

Anh là đại diện vốn nhà nước rõ ràng anh phải xác định được chiến lược như vậy. Còn không xác định được thì là lỗi của người đại diện vốn nhà nước.

Nhưng chưa có quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước, thưa ông?

Anh đã lĩnh trách nhiệm là người đại diện phần vốn nhà nước thì anh phải làm đúng bổn phận là thực thi những quyền hạn đã được luật định và những quyền hạn khác để phụng sự cho lợi ích của các cổ đông và lợi ích của chủ sở hữu.

Anh đã nhận là anh phải làm được như thế. Nếu không làm được thì hàng năm, chủ sở hữu là Bộ Tài chính phải thay người.

Có ý kiến cho rằng theo cơ chế hiện nay, trong HĐQT, người đại diện phần vốn nhà nước cũng chỉ có một phiếu nên không quyết định được?

Nói như vậy là hoàn toàn không hiểu gì Luật Doanh nghiệp cả. Như tại Jetstar Pacific Nhà nước chiếm 76% cổ phần thì đồng nghĩa ¾ thành viên HĐQT là người đại diện của Nhà nước. Như vậy, nếu những thành viên này làm việc vì chủ sở hữu thì họ hoàn toàn có quyền chi phối hoạt động của Cty.

Vấn đề bổn phận của người quản lý. Anh phải trung thực, phải hoạt động cẩn trọng, phụng sự trước hết cho lợi ích của cổ đông và các bên có liên quan.

Công khai minh bạch

Theo ông, với các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước hiện nay vấn đề tiền lương nên giải quyết thế nào?

Về quản lý Nhà nước nếu tách vấn đề quản lý tiền lương ra thì không thể làm được gì. Phải thay đổi cả hệ thống về cách thức quản trị. Nếu muốn thay đổi tiền lương thì phải công khai hóa toàn bộ.

Theo tôi, cũng không nên gò bó người ta trả lương theo lối công chức hành chính. Mỗi công ty tại một giai đoạn, thời điểm cụ thể có cách thức trả lương khác nhau.

Hiện EVN quy định mức lương giữa lãnh đạo và nhân viên chênh lệch từ 5 đến 7 lần. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thì có hệ số giãn cách giữa lãnh đạo và nhân viên lên tới 22 lần. Theo ông quy định như vậy có hợp lý?

Trả lương phải tính trên hiệu quả mà hiệu quả phải có mục tiêu rõ ràng. Vấn đề trả lương cho lãnh đạo là vấn đề rất phức tạp. Trên thế giới, ngay cả ở Mỹ, Anh hay Singapore, chúng ta đều gặp những trường hợp người quản lý lạm dụng quyền lực của mình để tư lợi.

Cũng phải lấy làm mừng là kiểm toán đã phát hiện ra sự việc ở SCIC  để chúng ta có thể hiểu về việc trả tiền công, tiền lương nói riêng và vấn đề quản trị doanh nghiệp Nhà nước hiện nay.

Tôi không quan tâm người ta trả chênh lệch bao nhiêu lần giữa lãnh đạo và nhân viên mà chỉ quan tâm việc trả lương đó có tương xứng với việc mà người nhận lương đã làm.

Với những người có thành tích mà không được trả tương xứng thì họ sẽ đi chỗ khác hoặc ít nhất là sẽ tìm cách lấy bằng được những gì mà người ta đã làm.

Theo ông, vấn đề tiền lương, thu nhập của doanh nghiệp có cần phải giám sát?

Anh phải xác định được chiến lược của những người đại diện chủ sở hữu, có sự công khai hóa cơ chế trả lương. Đó là sự giám sát tốt nhất. Ở các nước người ta có thể thuê một công ty tư nhân nhỏ giám sát cả một tập đoàn chứ không cần có bộ máy giám sát riêng.

Cảm ơn ông.

Bá Kiên - Phạm Tuyên
Thực hiện

MỚI - NÓNG