Cống hiến sức trẻ: ‘Vượt nắng, thắng mưa’ đổi thay Đăk Na

Sinh viên tình nguyện ĐH Mở TPHCM làm đường lên khu sản xuất thôn Đăk Riếp, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) ẢNH: NVCC
Sinh viên tình nguyện ĐH Mở TPHCM làm đường lên khu sản xuất thôn Đăk Riếp, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) ẢNH: NVCC
TP - Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2020 ghi dấu ấn bằng những công trình, phần việc sáng tạo, ý nghĩa thiết thực. Các chiến sĩ tình nguyện áo xanh đã đến mọi miền Tổ quốc, không quản ngại vất vả, cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho những vùng đất khó. 

Cắm chốt tại xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), 22 chiến sĩ tình nguyện mùa hè xanh ĐH Mở TPHCM mang đến nơi đây một làn gió mới.

Ngày 20/7, 22 sinh viên tình nguyện ĐH Mở TPHCM lỉnh kỉnh nồi niêu, xoong chảo, kiềng bếp, bát đũa, rau củ…vượt quãng đường 700km đến Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum). Đường núi dốc, khúc khuỷu, xe đi lắc lư khiến một số chiến sĩ tình nguyện say xe, mệt lử. Khi xe đến Đăk Na, mọi mệt mỏi gần như tan biến, các chiến sĩ tình nguyện nhanh chóng mang vác hành lý về nơi ăn ở của cả đội trong suốt Mùa hè xanh 2020 là trường Mầm non Đắk Riếp 1.

“Thời tiết Đăk Na khắc nghiệt, ngày nắng nóng, đêm rất lạnh. Nhiều bạn mới lên đây không quen bị sốc nhiệt. Những ngày đầu chúng tôi cho các bạn uống nước chanh và vitamin C để tăng cường sức đề kháng”, bạn Nguyễn Văn Khang (sinh viên năm 3, khoa Xây dựng, ĐH Mở TPHCM), đội trưởng Mùa hè xanh mặt trận xã Đăk Na, chia sẻ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Khang tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, trong đó 2 năm làm đội trưởng.

22 chiến sĩ tình nguyện chia lực lượng, gồm: 2 bạn chuyên đi dạy học, 4 bạn làm công tác hậu cần, còn lại đi thực hiện các công trình, phần việc thanh niên. Trong đó, một trong những công trình ấn tượng nhất là khai thông, mở rộng con đường dài 5km lên khu sản xuất thôn Đăk Riếp, xã Đăk Na.

Đội trưởng Khang cho biết, trước đây đường lên khu sản xuất thôn Đăk Riếp chỉ là lối mòn, nhỏ hẹp, có những đoạn dốc dựng đứng, đường đất đỏ bazan gặp trời mưa lầy lội, người dân không thể đi lại. Bắt tay vào làm mở rộng con đường, mỗi ngày đội sinh viên tình nguyện ĐH Mở TPHCM phải mang cuốc, xẻng đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, leo mấy con dốc mới đến nơi.

Vất vả, cực nhọc nhưng với sự hỗ trợ, đồng hành của đoàn thanh niên thôn Đăk Riếp cũng như người dân, các chiến sĩ tình nguyện đã phá đá, mở đường, những con dốc dần được san phẳng. Đường lên thôn Đắc Riếp mở rộng 3m. Con đường hoàn thành trong niềm vui hân hoan của bà con nhân dân, từ đây họ có thể đi lại, vận chuyển hàng hóa một cách dễ dàng, không sợ trời mưa gió.

Xong con đường, cả đội lên khu sản xuất bắt tay vào phát quang bụi rậm, cuốc cỏ trồng mới vườn cây sâm dây rộng 200m2 cho Đoàn xã Đăk Na. Đội trưởng Khang cho biết: “Khu sản xuất thôn Đăk Riếp là một bãi chăn nuôi, trồng trọt còn nhiều hoang sơ. Đỉa trâu và vắt nhiều vô kể, ai cũng sợ. Dù có bảo hộ đầy đủ nhưng tất cả chúng tôi đều bị chúng cắn”.

Chạy đua với mưa bão

Ngày đi làm, tối các chiến sĩ tình nguyện đến từng nhà dân làm công tác dân vận, thuyết phục người dân cho con em tham gia lớp học hè của đội tình nguyện. Đồng thời, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID -19, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

“Trẻ em ở Đăk Riếp chịu nhiều thiệt thòi. Những em mới chỉ 3-4 tuổi đã phải lên nương, rẫy cùng bố mẹ, hoặc ở nhà trông em. Vì thế, mới đầu, khi đội mở lớp học hè, không có một em nào tham gia. Chúng tôi rất thương các em, còn nhờ thêm trưởng thôn vận động, khuyến khích người dân cho con em đi học”, Khang kể. Nhờ sự nỗ lực đó, các em nhỏ Đăk Riếp được đến lớp học, ê a đọc chữ, học vẽ và tham gia các trò chơi vui nhộn của tuổi thơ.

Anh Thái Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Mở TPHCM cho biết, theo kế hoạch, chiến dịch Mùa hè xanh tại Đăk Na sẽ kéo dài một tháng nhưng do dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, nên thời gian rút ngắn lại còn 3 tuần. “Rút ngắn thời gian nhưng cả đội đều đặt mục tiêu phải hoàn thành tất cả công trình, phần việc đã vạch ra trước đó. Để làm được điều đó, cả đội phải nỗ lực gấp bội, chạy đua với thời gian, vượt nắng, thắng mưa hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”, anh Nghĩa cho biết.

Sân trường rộng 100m2 được đổ bê tông sạch đẹp thay cho nền đất cũ tại trường Tiểu học xã Đăk Na là kết quả của việc cả đội chạy đua với thời gian. Theo kế hoạch đổ sân bê tông cho trường Tiểu học xã Đăk Na phải mất 2 ngày. Tuy nhiên, khi nghe tin thời tiết báo sắp có mưa bão, cả đội hò nhau làm trong một ngày. “Đứa cào, đứa cuốc, đứa trộn bê tông…có những bạn nữ mệt nhoài, mồ hôi đầm đìa nhưng vẫn không chịu nghỉ, làm từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối hoàn thành sân trường tặng các em học sinh Đăk Na”, đội trưởng Khang cho biết.

Trải nghiệm và trưởng thành

Với đội tình nguyện Mùa hè xanh ĐH Mở TPHCM, chuyến tình nguyện tại Đăk Na không chỉ là cống hiến, cho đi mà đó còn là một hành trình trải nghiệm để trưởng thành. Bạn Thanh Trà, sinh viên năm 4, ĐH Mở TPHCM, chia sẻ: “Khi đặt chân đến Đăk Na, tôi cũng như nhiều bạn đã bật khóc vì thương trẻ em, thương người dân ở đây sao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đến thế. Chúng tôi luôn nỗ lực hết mình làm công trình, phần việc góp sức đổi thay vùng đất khó”.

Suốt 3 tuần cả đội tắm nước giếng, nấu ăn bằng bếp củi, đi chợ phải gửi nhờ người dân ra tận huyện mua đồ… là những trải nghiệm thú vị của các bạn sinh viên. Lần đầu tiên, bạn Cẩm Nhung, sinh viên năm nhất, ĐH Mở TPHCM pha thành công bát nước chấm chua ngọt, mừng phát khóc gọi điện về khoe bố mẹ. “Được bố mẹ chăm sóc, tôi chưa từng vào bếp nấu nướng lần nào. Nhờ chuyến tình nguyện Mùa hè xanh, tôi mới biết nấu một bữa ăn, thấy vui thế nào khi mọi người ăn ngon miệng”, Nhung chia sẻ. 

(còn nữa)

Anh Thái Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Mở TPHCM cho biết, mùa hè xanh năm nay toàn trường huy động gần 500 sinh viên tình nguyện, trong đó có 2 đội hình thường trực tại Kon Tum và Nhà Bè, có 8 đội hình không thường trực. Tại mặt trận xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, ĐH Mở TPHCM phối hợp Huyện Đoàn Tu Mơ Rông sửa chữa, làm đường đi khu sản xuất tại thôn Đăk Riếp dài 5 km; mở các lớp ôn tập hè cho các em học sinh; hỗ trợ xây dựng 1 điểm vui chơi cho thiếu nhi…

“Hoàn thành được vườn cây thanh niên chúng tôi xem đây là một kỳ tích, vì không chỉ có mồ hôi, cực nhọc mà chúng tôi còn phải vượt qua nỗi sợ hãi bị đỉa, vắt cắn. Mong rằng, vườn cây sâm dây sẽ được chăm sóc, phát triển tốt để các bạn đoàn viên, thanh niên nơi đây có thêm 1 khoản thu nhập”.
Bạn Nguyễn Văn Khang, đội trưởng Mùa hè xanh mặt trận xã Đăk Na


MỚI - NÓNG