Cồng chiêng Tây Nguyên: “Văn hóa sống” và mạch nguồn…

Cồng chiêng Tây Nguyên: “Văn hóa sống” và mạch nguồn…
TP - Lễ trao bằng chứng nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” diễn ra vào 28/3 tới, tại Gia Lai. Vinh dự gắn liền với trách nhiệm: Bảo tồn cách nào di sản văn hoá quý giá đó?

Hiện có cách “chơi chiêng” kiểu mới của không ít nhóm “chiêng trẻ” hiện nay, trong đó có nhóm chiêng ở huyện Ea H’Leo- Đăk Lăk.

Họ rủ nhau đi mua gom những chiếc chiêng trôi nổi, thuê nghệ nhân chỉnh chiêng ở huyện Chư Sê - Gia Lai gò lại cho đủ các nốt “đô rê mi fa sol la si” và thăng giáng, treo lên sào toòng teng trên dưới 20 chiếc để vài ba người cùng gõ nhạc mới.

Mục kích cảnh này, nhiều học giả đã kêu trời là cải  lùi, “giết chết cồng chiêng”. Ngược lại, cũng có cán bộ địa phương cởi mở “Bọn trẻ tìm trò vui ấy mà! Nên bàn với chúng nhưng xin đừng miệt thị!”.

Tranh cãi quyết liệt hơn, là việc nên hay không nên sân khấu hoá cồng chiêng. Phía “Không” viện dẫn việc sử dụng cồng chiêng luôn gắn liền với nghi lễ chứ không nhằm mục đích giải trí, sân khấu hoá là sai lầm, là “xúc phạm, báng bổ”.

Phía “Nên”  khẳng định: Nếu không mở hội diễn, liên hoan để tạo điều kiện cho các đội cồng chiêng giao lưu và tuyên truyền về giá trị cồng chiêng cho quần chúng, thì cồng chiêng sẽ dần mai một trong cộng đồng.

Trong khi hầu hết các nhà trí thức nổi tiếng đều khẳng định “Phải giữ nguyên bản như ngàn đời vốn có”, thì NSƯT Vũ Lân - người chế tác nhiều nhạc cụ dân gian Tây Nguyên, trong đó có sáo vỗ Đing Puôt Pah, gần 20 năm lãnh đạo đoàn Ca múa Dân tộc Đăk Lăk - lại có ý kiến khác.

Ông cho rằng: Cồng chiêng là một hiện tượng “văn hoá sống” nên không thể bảo tàng nó như đối với trống đồng Ngọc Lũ. Cách bảo tồn cồng chiêng tốt nhất là phải vừa gìn giữ cái cốt lõi tinh  hoa cổ truyền, vừa khai thác, phát huy và phần nào phát triển nó.

2 trong số 9 bài chiêng nổi tiếng từng được lưu diễn khắp trong ngoài nước của dàn chiêng buôn Ko Siêr: Kong Tar (Chong chóng quay) và Pliêr (Mưa đá) được các nghệ nhân buôn này sáng tạo khoảng năm 1976- 1977, trên cơ sở  phối ngẫu lối diễn tấu của người M’Thur (tộc người giao thoa giữa Jơ Rai và Êđê) với giai điệu và tiết tấu Êđê Kpă, đảo cả thứ tự trình tấu bằng cách cho chiếc chiêng Điêt nhỏ nhất đánh mở đầu.

Sau mấy năm bị dè bỉu lạc loài,  2 bài chiêng này đã dần trở nên phổ biến trong khắp các buôn làng Êđê chẳng khác gì các bài chiêng cổ. Mạch chảy của các hiện tượng “văn hoá sống” mặc nhiên là thế, ai cản được?

Cốt yếu ở chỗ: Phát triển làm sao cho cành lá mới nảy được từ nguồn dưỡng chất của bộ rễ cắm sâu vào mạch nguồn văn hoá dân gian, mới khỏi lệch lạc biến chất.

Khôi phục, duy trì “nhà Làng” thế nào?

Triển khai đề án “Phát triển hoạt động văn hoá- thông tin vùng Tây Nguyên đến năm 2010” với tổng kinh phí 1.400 tỉ đồng (Chính phủ phê duyệt tháng 2/2004), chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã đang và sẽ tiếp tục cho xây dựng hàng trăm nhà “Văn hoá cộng đồng” (VHCĐ) khắp các làng buôn.

Đáng tiếc, dù được đầu tư rất tốn kém, các nhà VHCĐ sàn cột bê tông thô thiển vẫn cứ xa lạ, lạc lõng đối với không gian văn hoá cồng chiêng cả “phần hồn” lẫn “phần xác”. Thỉnh thoảng một số nhà VHCĐ cũng được quét bụi, mở cửa cho cán bộ mở lớp dạy đánh chiêng, dệt thổ cẩm, khuyến nông khuyến lâm, sinh hoạt đoàn thể, đón khách tham quan.

Nhưng chưa có nhà VHCĐ nào thế chỗ được cho những nhà Rông, nhà Gươl, nhà Dài - nói gọn là nhà Làng – vừa đẹp đẽ vừa ấm áp thiêng liêng đang ngày càng vắng bóng.

Nhiều già làng ý kiến: Nhà VHCĐ chỉ có thể trở thành nhà Làng, thành tâm điểm của không gian văn hoá cồng chiêng khi nó được chính già trẻ trai gái trong làng chung tay xây dựng theo đúng lễ nghi, phong tục tập quán của dân tộc mình chứ không phải do phía chủ đầu tư áp đặt từ kiến trúc đến thi công.

Khi đó, dù mái tranh hay mái tôn đồng bào vẫn cảm nhận đó là tài sản của chính mình. Để  tiền nhà nước được sử dụng hiệu quả trong việc này, hãy chuyển khoản đầu tư ấy cho Làng để Làng tự làm lấy.

MỚI - NÓNG