'Công bộc' học tiếp dân

TP - Từ ngày 5-3 đến giữa tháng 4, 400 cán bộ công chức, viên chức (CBCC-VC) ở quận 1, TPHCM lần lượt đi học các kỹ năng giao tiếp, học cười với cả đối tượng vi phạm.
Tiếp dân tại quận 1, TPHCM Ảnh: Đại Dương

> Đảng nên tăng cường tự phê bình trước dân

Ông Lê Văn Phú, trưởng phòng Nội vụ quận 1, cho biết đối tượng tham gia học dịp này là CBCC-VC hoạt động trong lĩnh vực thanh tra xây dựng (quận và phường) và bồi thường giải phóng mặt bằng. Có 10 lớp học, mỗi lớp 40 người và thời gian học 6 buổi/lớp.

Ngoài việc hướng dẫn văn bản, quy định liên quan và thực hiện các biên bản, văn bản cần thiết, nội dung chính của lớp học là tập huấn cho CBCC-VC các kỹ năng giao tiếp, ứng xử nội bộ, với người dân và doanh nghiệp.

“Mục tiêu của Quận là xây dựng một môi trường làm việc thân thiện giữa CBCC-VC đối với nhân dân, doanh nghiệp, người bị thu hồi đất và cả đối với người vi phạm”- ông Phú nói.

Sau mấy ngày dự lớp tập huấn về, ông Phạm Nam Sách (Thanh tra xây dựng phường Bến Thành) chia sẻ: “Trước đây, khi cần lập biên bản, chúng tôi chỉ lấy mẫu in sẵn và điền vào chỗ trống những nội dung cần thiết mà không cần biết một tờ biên bản lập ra cần phải có những yêu cầu cơ bản gì, và mục đích của nó như thế nào… Nay, chúng tôi đã biết cách soạn thảo một biên bản cũng như cách diễn đạt lý do xử phạt, mức độ xử phạt làm sao cho chuẩn xác”.

Theo ông Sách, điều này rất quan trọng vì nếu không có sự chuẩn xác sẽ rất khó thuyết phục đối tượng bị phạt.

Một giảng viên trực tiếp đứng lớp, thạc sỹ Trần Hồng Hạnh cho rằng, trình độ của lực lượng thanh tra xây dựng và giải phóng mặt bằng còn nhiều hạn chế, kỹ năng giao tiếp hiện mới đạt khoảng 60% yêu cầu công việc.

Đa số CBCC-VC trẻ thiếu kiến thức thực tế, nóng vội trong xử lý công việc. Trong khi đó, thu nhập rất thấp, nhân viên hợp đồng chỉ 1,2-1,6 triệu đồng/người/tháng nên khó khích lệ họ làm việc tốt.

Theo thạc sỹ Hạnh, hầu hết CBCC-VC không biết nở nụ cười trong khi giao tiếp với người dân và phần lớn giữ bộ mặt lạnh lùng, nhất là trong những trường hợp xử lý vi phạm.

Học viên Nguyễn Nam Sách cho biết: học xong mới vỡ ra là khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm không phải mình muốn nói nặng lời thì nói, muốn tỏ thái độ thế nào cùng được. “Dù họ có vi phạm thì mình vẫn phải có thái độ, lời lẽ đúng mực, không được nóng nảy, lớn tiếng…”.

Theo Báo giấy