quy hoạch

Công bố quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến 2030

Công bố quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến 2030
TPO - Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển khu vực này trở thành một vùng đô thị lớn, phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Sáng 23/1, tại TPHCM, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch (điều chỉnh) xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã trao hồ sơ và đồ án quy hoạch cho lãnh đạo UBND TPHCM và 7 tỉnh thuộc vùng.

Quy hoạch (điều chỉnh) xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg với mục tiêu phát triển vùng TPHCM trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững; có vai trò vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Vùng TPHCM được quy hoạch trở thành vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực. Vùng TPHCM trong tương lai sẽ trở thành trung tâm thương mại – tài chính; nghiên cứu khoa học – dịch vụ; trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hoá cao.

Vùng TPHCM phát triển theo hướng cân bằng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. TPHCM là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.

Theo quy hoạch được duyệt, phạm vi vùng TPHCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa –Vũng Tàu; Bình Dương; Bình Phước; Tây Ninh; Long An; Đồng Nai; Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng là khoảng 30.404 km2.

Theo dự báo, đến năm 2030, dân số của vùng TPHCM khoảng 24 – 25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18-19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6 -7 triệu người và khoảng 18 – 19 triệu lao động.

Tỷ lệ đô thị hoá của vùng TPHCM đạt khoảng 70-75%; đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt khoảng 270.000 – 290.000 ha, bình quân 100 – 150 m2/người. Đất xây dựng nông thôn đến năm 2030 đạt khoảng 150.000 – 170.000 ha, bình quân 180 – 210 m2/người.

Mô hình phát triển vùng theo hướng tập trung – đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng. Trong vùng TPHCM phát triển các đô thị nén, hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng; tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng.

Vùng TPHCM được phân ra thành các tiểu vùng và trục hành lang phát triển. Tiểu vùng đô thị trung tâm gồm TPHCM và vùng phụ cận tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Tiểu vùng phía Đông gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tiểu vùng phía Bắc – Tây Bắc gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương. Tiểu vùng phía Tây Nam gồm các tỉnh Tiền Giang, Long An.

Trục hành lang phía Đông Nam dọc QL 51 gồm chuỗi các đô thị Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), trong đó TP Vũng Tàu và TP Bà Rịa là cực tăng trưởng.

Trục hành lang phía Đông dọc Quốc lộ 1 gồm chuỗi các đô thị Dầu Giây, Long Khánh, Gia Ray (Đồng Nai), trong đó đô thị Long Khánh là cực tăng trưởng.

Trục hành lang phía Bắc dọc QL13 gồm chuỗi các đô thị Bàu Bàng (Bình Dương), Chơn Thành, Bình Long, Hoa Lư – Lộc Ninh, Đồng Xoài (Bình Phước), trong đó đô thị Chơn Thành là cực tăng trưởng.

Trục hành lang phía Tây Bắc dọc QL22, QL 22B gồm chuỗi các đô thị Trảng Bàng, Phước Đông – Bời Lời, Gò Dầu, Mộc Bài – Bến Cầu, Hoà Thành, Tây Ninh, Tân Biên, Xa Mát (Tây Ninh), trong đó các đô thị Trảng Bàng – Gò Dầu, TP Tây Ninh là cực tăng trưởng.

Trục hành lang phía Tây Nam dọc QL1 gồm chuỗi các đô thị Bến Lức, Tân An (Long An); Mỹ Tho, Cai Lậy (Tiền Giang), trong đó TP Tân An, TP Mỹ Tho là cực tăng trưởng…

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc điểu chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM (phê duyệt năm 2008) là rất cần thiết. Bởi lẽ, cùng với xu hướng phát triển toàn cầu hoá, thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu, vùng TPHCM đã có những yêu cầu phát triển cao hơn, đặc biệt là kết nối giao thông liên vùng.

TPHCM và 7 tỉnh trong vùng kết nối hệ thống cảng biển, sân bay, đường giao thông, … để khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên của vùng. Quy hoạch điều chỉnh lần này đã làm rõ hơn, tốt hơn, tạo điều kiện để khai thác toàn diện tài nguyên nhằm phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, cả vùng và cả nước nước.

Ông Chính đánh giá quy hoạch lần này vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu được đặt ra một cách toàn diện vì TPHCM là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng này.

“Quy hoạch đã chú ý rất lớn đến tác động của biến đổi khí hậu, làm thế nào để khai thác tốt nhất tài nguyên đất đai nhưng kèm theo là những biện pháp, cách tổ chức rất tốt để tạo nên sự phát triển hài hoà và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, ông Chính nói. 

MỚI - NÓNG