Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Công bố nhiều tư liệu mới về Bác

0:00 / 0:00
0:00
Hồ Chủ tịch với thiếu nhi ở chiến khu Việt Bắc
Hồ Chủ tịch với thiếu nhi ở chiến khu Việt Bắc
TP - Khá nhiều hình ảnh, hiện vật và tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong số 300 hình ảnh, tư liệu tại trưng bày mừng sinh nhật Người, khai mạc tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Tư liệu mới

Trưng bày Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khai mạc sáng 18/5 tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch. Dù bối cảnh COVID-19, những người thực hiện vẫn nỗ lực tìm ra những tư liệu quí kể chuyện về Người. Hơn 300 ảnh, tư liệu đặc biệt giá trị như món quà tinh thần dâng lên Hồ Chủ tịch. Trưng bày kéo dài hết tháng 9.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, Phó trưởng phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hải trình của tàu Amiral Latouche Treville là một trong số tài liệu lần đầu được công bố. Con tàu gắn với hành trình huyền thoại của người thanh niên Việt Nam yêu nước Văn Ba, hành trang mang theo là đôi bàn tay trắng vượt đại dương với khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.

Tư liệu, hiện vật gắn bó với Bác được tìm kiếm và công bố trong suốt mấy chục năm qua, những người đảm nhiệm vai trò sưu tầm vẫn không ngừng chắt chiu hiện vật để tô đậm thêm chân dung Người. Trong số hiện vật mới công bố có: Hồ sơ và một số báo cáo của mật thám Pháp theo dõi Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến 1922 tại Pháp; Biên bản kết án của tòa án Vinh (Nghệ An) ngày 10/10/1929, trong danh sách kết án tử hình vắng mặt có tên Nguyễn Ái Quốc; Thư của Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vận động chính phủ Anh giao Nguyễn Ái Quốc cho chính phủ Pháp bằng cách dẫn độ (ngày 10/6/1931); Sơ đồ hành trình qua các nhà giam tỉnh Quảng Tây mà Hồ Chí Minh bị giải đi hơn một năm từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943.

Học Bác từ điều giản dị

Trưng bày chia thành ba phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh- tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực; Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tình cảm của nhân dân thế giới với Hồ Chủ tịch. Nội dung chính về tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực của Hồ Chủ tịch quy tụ 170 ảnh, tư liệu quý tập trung vào ý chí tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, tấm gương tận tụy phụng sự Tổ quốc và nhân dân cũng như tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch.

Đại diện BTC cho biết, đặc biệt chú ý tập hợp, chọn lọc những bức ảnh giới thiệu sinh hoạt đời thường rất giản dị, xúc động của Người trên Chiến khu Việt Bắc trong thời kháng Pháp; hình ảnh giản dị của Người khi về sống trong Phủ Chủ tịch- nơi ở và làm việc của Người năm 1954-1969 trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng; những hình ảnh khắc họa tình cảm của Bác với nhân dân, gần nhân dân, hiểu nhân dân và tập hợp được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Thu hút người xem chính là những hình ảnh mộc mạc, đời thường của Bác ở khu vực trung tâm. Có thể kể ba bức ảnh chân dung đen trắng nhuốm màu thời gian lần đầu được công bố. Những bức ảnh về đời sống giản dị của Bác luôn tạo cảm xúc. Đó là hình ảnh Người xuất hiện trong khung cảnh sinh hoạt đời thường tại Chiến khu Việt Bắc trong thời kháng Pháp.

Bảo tàng Hồ Chí Minh dịp này tạm dừng đón khách để phòng, chống dịch COVID-19, không thực hiện trưng bày chuyên đề như thường lệ. Tuy thế vừa qua Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận bốn tranh cổ động đoạt giải thưởng Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 130 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung và Nguyễn Văn Ngần trao tặng. Trong đó nổi bật có tác phẩm giải Nhất Người đi tìm hình của nước của Mỹ Dung.

Có cả kho tàng những câu chuyện dung dị, cảm động gắn với Hồ Chủ Tịch. Ths Nguyễn Thị Bình nói rằng trong kho tàng ấy, những người thực hiện trưng bày chọn ra những câu chuyện xúc động về tư tưởng, phong cách của Bác. Đằng sau mỗi tư liệu hiện vật hay bức ảnh là câu chuyện thật giản dị. Như hình ảnh Bác cuốc đất trồng rau tăng gia sản xuất. Bên cạnh những phút giây đau đáu vì cách mạng, Người cũng có những phút giây đọc sách nghỉ ngơi và đặc biệt luôn dành thời gian quan tâm các cháu thiếu nhi.

Một trong những câu chuyện dung dị là tài liệu xung quanh sự kiện Bác tới thăm một đơn vị Pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô tháng 9/1966. Vào tháng 7/1967, sau chuyến thăm đó, chứng kiến cảnh các chiến sĩ nóng bức không có nước uống, Người rút tiền tiết kiệm của riêng mình mà chủ yếu là tiền nhuận bút Bác viết báo để dành tặng bộ đội Phòng không bảo vệ Thủ đô để mua nước uống.

Trong dịp kỷ niệm 131 năm sinh Hồ Chủ tịch, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp BQL Khu Di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và Bảo tàng tỉnh Sơn La trưng bày chuyên đề có nội dung Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".