Đây là cơ sở pháp lý cho việc thu thập, tổng hợp thông tin, số liệu thống kê về công tác dân tộc kịp thời và chính xác; làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá tình hình công tác dân tộc phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước trong quá trình chỉ đạo, điều hành và công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng chính sách phát triển các dân tộc Việt Nam. Hệ thống gồm 119 chỉ tiêu thuộc 16 nhóm như: Người dân tộc thiểu số; Lao động, việc làm người dân tộc thiểu số; Thu nhập và chi tiêu của người dân tộc thiểu số; Đói nghèo và an sinh xã hội; An toàn xã hội và trật tự tư pháp; Văn hóa, xã hội người dân tộc; Tiếp cận giáo dục người dân tộc thiểu số...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng, trước đây do thiếu thông tin quan trọng về các nhóm dân tộc thiểu số, nhiều chính sách, chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số được xây dựng và thực hiện chưa có đủ thông tin thống kê khoa học và thực tiễn vững chắc. Kết quả là những chính sách này đạt được hiệu quả chưa cao, một số chính sách còn bất cập. “Việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê công tác dân tộc góp phần nâng cao cải cách hành chính, là cơ sở để thực hiện các vấn đề đặc thù liên quan đến dân tộc và chính sách dân tộc trên cả nước. Đây là “cây gậy” rất quan trọng để triển khai thực hiện”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc yêu cầu các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai có kết quả thông tư.