Hà Tĩnh:

Công an điều tra pháo nổ đêm giao thừa

TP - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Minh Đạo thừa nhận có hiện tượng nổ pháo trong đêm giao thừa trên địa bàn Hà Tĩnh. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Công an tỉnh điều tra, làm rõ báo cáo trong tuần tới việc này.

Sáng mùng một Tết, hai bên QL 8A đoạn qua xã Sơn Tây, Tây Sơn, huyện Hương Sơn, xác pháo và hộp pháo màu đỏ nằm rải rác hoặc được nhóm từng đống dày đặc trước cổng nhà dân. Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, ông Võ Văn Phúc thừa nhận có hiện tượng nổ pháo trong đêm giao thừa trên địa bàn. “Để xảy ra tình trạng này lãnh đạo huyện và các xã phải chịu trách nhiệm. Nói thật là lực lượng chức năng của huyện và xã đã làm hết sức rồi. So với các năm trước năm nay địa bàn Hương Sơn pháo nổ giảm rất nhiều”, ông Võ Văn Phúc nói.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, do địa bàn huyện có cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo với nước bạn Lào nên có thể người dân đưa pháo qua con đường tiểu ngạch về cất giữ từ nhiều tháng trước. Trước Tết Nguyên đán, UBND huyện Hương Sơn thành lập ban chỉ đạo, bình quân mỗi xã có trên 10 người để tuyên truyền, vận động tới tận từng gia đình. “Tối giao thừa UBND huyện còn triệu tập cuộc họp gấp để chỉ đạo việc này nhưng hiện tượng nổ pháo vẫn diễn ra”, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn nói. Hiện Công an huyện Hương Sơn đã làm rõ 4 đối tượng trong độ tuổi học sinh nổ pháo trong đêm giao thừa.

Nhiều người dân trên địa bàn huyện Hương Sơn thừa nhận Tết năm nay lượng pháo nổ trên địa bàn giảm rất nhiều. Ngoài các yếu tố tuyên truyền vận động của các cơ quan chức năng, việc pháo nổ giảm do kinh tế khó khăn.

Trong dịp cận Tết Nguyên đán 2017, Hà Tĩnh là tỉnh phá rất nhiều vụ án về buôn bán pháo với hơn 1.000kg pháo nổ các loại. Không chỉ địa bàn huyện Hương Sơn, các địa bàn khác trong tỉnh cũng có hiện tượng nổ pháo trong đêm giao thừa. Theo tìm hiểu của PV, không chỉ đến dịp cận Tết việc buôn bán pháo nổ mới diễn ra mà nhiều đối tượng, người dân tích trữ pháo từ nhiều tháng trước và “bung hàng” trước giao thừa ít giờ đồng hồ. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, một số lãnh đạo các huyện thừa nhận không thể ngăn chặn tuyệt đối việc nổ pháo trong đêm giao thừa. “Ngoài bắt quả tang các đối tượng buôn bán, vận chuyện pháo nổ ra, việc bắt giữ, xử lý các đối tượng đốt pháo rất khó”, một lãnh đạo huyện thừa nhận.

130 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các bệnh viện trên toàn quốc tiếp nhận 130 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ; 28 trường hợp khám, cấp cứu do chất nổ khác. Trong đó, tại Nghệ An, chỉ trong hai ngày 27, 28/1/2017 (tức ngày 30 và mùng 1 Tết) các bệnh viện trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 7 trường hợp bị thương do các tai nạn liên quan đến việc sử dụng pháo.

Ông Lê Đức Cường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết, theo báo cáo ban đầu, một số huyện để xảy ra tình trạng đốt pháo dịp Tết Nguyên đán vừa qua là Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Hiện, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương này rà soát, báo cáo và sẽ có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với những người đứng đầu huyện để xảy ra sự việc.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, Chính phủ đã quán triệt cấm đốt pháo từ năm 1994, do đó, địa phương nào để xảy ra đốt pháo thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Pháo lậu được tuồn qua biên giới vào nội địa, do đó, cũng có trách nhiệm của các lực lượng liên quan như Bộ đội biên phòng, Hải quan và quản lý thị trường…

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, việc nổ pháo, đốt pháo là trong nội địa, không thuộc trách nhiệm của lực lượng hải quan.

Tuấn Nguyễn

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.