Ngày 11/12, Công an tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn.
Tại hội nghị, đại điện Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức 1.032 lượt kiểm tra với 836 cơ sở kinh doanh cầm đồ và cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự khác. Qua đó tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 543 trường hợp với số tiền gần 3,9 tỷ đồng. Thực hiện các thủ tục rút giấy phép an ninh trật tự đối với 143 cơ sở.
Trong 5 năm qua, Công an Bình Dương đã phát hiện, triệt xóa 74 vụ, 148 đối tượng về các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó đã khởi tố 50 vụ, 91 bị can xử lý về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Ngoài ra, công an khởi tố 9 vụ, 42 bị can liên quan các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, làm nhục người khác... Nhiều vụ do các đối tượng, băng nhóm từ tỉnh khác đến gây án.
Để đấu tranh phòng ngừa tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh Bình Dương đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Công an chủ trì phối hợp các đơn vị, địa phương thành lập, triển khai các tổ công tác liên ngành để tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính, áp dụng các biện pháp xử lý các cơ sở kinh doanh liên quan đến tín dụng đen, cho vay lãi nặng, hoạt động băng ổ nhóm tội phạm có biểu hiện vi phạm nhằm rút giấy phép kinh doanh.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Bình Dương chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về giao dịch dân sự cho vay, lãi suất vay, góp vốn, huy động vốn và trách nhiệm về pháp lý dân sự, hình sự khi vi phạm các quy định của pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật của người dân.
Lực lượng công an tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, quản lý địa bàn, đối tượng nhằm phát hiện, xóa bỏ những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Rà soát, lập hồ sơ các cơ sở cá nhân, băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, siết nợ... để quản lý có biện pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả. Thực hiện tốt các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tập trung chuyển hóa tình hình an ninh trật tự, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống các loại tệ nạn xã hội và phát động phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, không để học sinh, sinh viên, người lao động, người dân vướng vào tệ nạn xã hội dẫn đến túng thiếu và tìm đến tín dụng đen hoặc tham gia vào các đường dây hoạt động tín dụng đen.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh sẽ nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ vay vốn tiêu dùng cho người có hoàn cảnh khó khăn không có tài sản thế chấp, nhất là công nhân các khu ở trọ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhân viên kinh doanh thuộc quyền nhằm phòng ngừa tình trạng cấu kết với các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen để cho vay lãi nặng.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 11/2024, Công an tỉnh Bình Dương đã triệt xóa đường dây cho vay nặng lãi lên tới 1000%/năm, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng. Kẻ cầm đầu đường dây là Trần Hữu Đăng (SN 1998, ngụ tỉnh Hà Nam).
Từ tháng 4 đến tháng 11/2024, Trần Hữu Đăng cùng đồng bọn hoạt động phạm tội với hình thức cho vay tiền góp, thu lãi và gốc theo ngày, vòng vay từ 18 ngày đến 30 ngày. Tính riêng trên địa bàn huyện Bàu Bàng, Trần Hữu Đăng cùng đồng bọn sử dụng số tiền trên 5,5 tỷ đồng, cho vay tổng cộng 22 khoản vay, giá trị các khoản vay từ 80 triệu đến 350 triệu đồng, với lãi suất từ 292%/năm – 1000%/năm. Tính đến ngày 17/11, Trần Hữu Đăng cùng đồng bọn đã thu lợi bất chính số tiền khoảng 2 tỷ đồng.
Ngoài đối tượng Trần Hữu Đăng, cơ quan công an đã bắt giữ Nguyễn Đức Tài (SN 1993, ngụ tỉnh Hà Nam); Nguyễn Văn Hải và Đỗ Văn Hảo (cùng SN 1994, ngụ TP. Hà Nội). Trong đó, xác định Trần Hữu Đăng là đối tượng cầm đầu được di lý từ tỉnh Hà Nam về Bình Dương để xử lý.