Con tin của thông tin

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thoáng nghĩ, báo chí rồi một lúc nào đó liệu sẽ trở thành một tập hợp con của truyền thông nói chung, hai chữ “báo chí” sẽ chìm nghỉm trong cái đại dương khổng lồ mang tên “truyền thông xã hội”?

Khi tốc độ số hóa cũng như tầm khuynh loát của các phương tiện/nền tảng truyền thông xã hội vẫn đang ào ạt chiếm thế thượng phong. Lại có vẻ đúng với tiến trình hình thái mới của chủ nghĩa tư bản thế kỷ 21, được gọi là “Chủ nghĩa tư bản giám sát” đang khiến thế giới đặc biệt lưu tâm pha lẫn lo lắng.

Tôi cho rằng đó là chuyện còn ở tương lai khá xa, bởi báo chí hiện vẫn đang nắm giữ “chốt an toàn” quan trọng nhất trước truyền thông xã hội, đó là sự kiểm chứng, kiểm duyệt, “thanh trùng khử độc” đối với mọi nguồn tin, mọi thông tin hỗn tạp đang muốn phủ lấp tất cả. Tức là phụ thuộc vào tư tưởng, đạo đức và ý chí con người trước sự lấn át của những cỗ robot trí tuệ nhân tạo khổng lồ và ngày càng tinh khôn. Trước hết vì sự tồn tại và ổn định của mọi thể chế xã hội, mọi quốc gia cũng như cả loài người.

Tuy nhiên, cũng phải tự hỏi, rằng “quyền làm người”, hay chính xác hơn là quyền chủ động giám sát của con người liệu có mãi bền vững? Khi những món lợi ích, lợi nhuận khổng lồ của đủ thứ nhóm lợi ích to nhỏ của chính con người trên hành tinh này đủ sức khiến lung lay, biến đổi nhiều thứ?

Shoshana Zuboff – Giáo sư Đại học Harvard (Mỹ), người đầu tiên đưa ra khái niệm “Chủ nghĩa tư bản giám sát” (Surveillance Capitalism) vào năm 2014, đã đúc kết ngắn gọn: “Có một thời chúng ta tìm kiếm Google, giờ thì Google tìm kiếm chúng ta. Có một thời chúng ta nghĩ những gì các nền tảng số cung cấp là miễn phí, giờ thì các nền tảng số xem chúng ta là món hàng miễn phí”.

Theo đó, mỗi một con người bé mọn chúng ta đang trở thành thứ “nguyên liệu miễn phí” để đưa vào chuỗi cung ứng và làm giàu của chủ nghĩa tư bản giám sát, thông qua mọi dữ liệu về hành vi, cảm xúc, kinh nghiệm, và thông tin nhân thân của chính chúng ta bị khai thác và chiếm đoạt công khai. Không chỉ bị "bóc lột" túi tiền một cách khôn ngoan và đều đặn, chủ nghĩa tư bản giám sát còn sẵn sàng phớt lờ các chuẩn mực xã hội và vô hiệu hóa các quyền cơ bản đi kèm với quyền tự chủ cá nhân.

Ở một cấp độ khác, xa lộ thông tin hiện đang trở thành “chiến trường” của những cuộc chiến tranh phi quy ước đáng sợ, có thể khiến những quốc gia, những tập đoàn lớn đổ gục, phá sản mà nhiều khi không phải vì đạn bom hay lý do kinh tế. Vũ khí hủy diệt ở đây chính là những cuộc chiến truyền thông với mọi thứ tin tức giả mạo, cắt ghép, nhồi nhét ý đồ triệt hạ nhau. Mà nếu thiếu sự tỉnh táo cần thiết, mỗi chúng ta đều dễ dàng trở thành những “con tin” lúc nào không biết.

Trong trận đồ ấy, báo chí có thể nói là khá vất vả để có thể giữ vững thiên chức của mình. Đòi hỏi không chỉ người làm báo, mà cả độc giả/người tiếp nhận cũng phải có bản lĩnh và những tố chất “thông thái” cần thiết.

Thông tin/tin tức xét trên góc độ nào đó còn quan trọng hơn thực phẩm và cả dược phẩm, bởi có thể cùng lúc gây “ngộ độc” cho hàng triệu, hàng tỷ người, mà “thuốc giải” duy nhất không gì khác cũng chính là bản thân thông tin.

Con người không thể trở thành con tin của thông tin, cũng như con tin của sự mất niềm tin.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.