Sức ép lớn từ dư luận là 1 trong những lý do khiến VFF vừa qua quyết định bán một lượng lớn vé xem trận bán kết lượt về giữa Việt Nam với Philippines ngày 6/12 trên kênh online. Hình thức bán vé qua đường công văn và bán trực tiếp tại quầy cũng bị bỏ. Bất chấp điều đó, phản ứng đối với VFF vẫn rất mạnh khi hệ thống bán vé online gặp trục trặc. Cụ thể là tình trạng “sập” trang web do lượng truy cập quá lớn. Theo thống kê của VFF, tại nhiều thời điểm số người tạo tài khoản và truy cập, đặt mua vé lớn hơn nhiều lần so với lượng cung.
Về quy luật, khi cung không đáp ứng cầu thì chắc chắn xung đột sẽ xảy ra. Chính vì vậy, cho dù cải tiến hệ thống phân phối vé ra sao thì tình trạng sốt vé vẫn xuất hiện ở các trận đấu “nóng” của ĐTQG. Mấu chốt của vấn đề ở đây có lẽ là niềm tin của công chúng đối với VFF, hay lớn hơn là các cơ quan bộ ngành, chính quyền. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng than thở rằng, ông có kinh nghiệm “VFF nói gì người ta cũng không tin”, trong khi người khác chỉ trích gì (dù sai), dân cũng nghe theo.
Xảy ra tình trạng này khó có thể trách công chúng. Lâu nay VFF, mà cao hơn là ngành thể thao luôn để xảy ra những vấn đề gây băn khoăn trong dư luận, nhưng phản ứng để làm sáng tỏ lại rất chậm chạp. Xin lấy luôn một ví dụ như để chuẩn bị cho Đại hội VFF nhiệm kỳ 8 sắp tới, ngành thể thao chấp thuận cho nguyên Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa tranh cử chiếc ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF.
Trong khi đó, quá trình quản lý Mỹ Đình, ông Nghĩa từng để xảy ra nhiều sai phạm về cho thuê đất đai, gây nguy cơ thất thoát lớn cho nhà nước, nợ đọng thuế… Để một cán bộ nghỉ hưu, đơn vị vi phạm tràn lan về tài chính ra ứng cử chiếc ghế tài chính ở VFF, đòi dân tin vào sự minh bạch thế nào?