Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn:

Con số 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” là sai

TPO - "Hiện nay chưa có báo cáo thống kê nào nói rằng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta có tới 30% người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Đó là dư luận nói thế, về cơ quan có trách nhiệm và cơ quan chính thống thì không có. Số liệu 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” là sai", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định.
Ảnh minh họa

Tại buổi họp báo chiều 14/10, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến con số 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” mà dư luận phản ánh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Hiện nay chưa có báo cáo thống kê nào nói rằng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta có tới 30% người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Đó là dư luận nói thế, về cơ quan có trách nhiệm và cơ quan chính thống thì không có.

Theo ông Tuấn, từ thời kỳ đổi mới đến nay, đội ngũ cán bộ công chức viên chức có đóng góp rất nhiều vào những thành tựu của đất nước, chúng ta không phủ nhận điều đó được. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những người không làm được việc, không đáp ứng được yêu cầu công việc, vì vậy chúng ta mới tiến hành tinh giản biên chế, loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu công việc ra khỏi đội ngũ, lấy những người đáp ứng yêu cầu tốt hơn.

“Không nên nói đi, nói lại 30% công chức cắp ô. Bây giờ với vị trí việc làm, với việc đánh giá phân loại công chức đã được ban hành, tôi nghĩ là còn rất ít đất để cho những người lười biếng, không chịu làm việc. Bên cạnh đó chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế. Nếu anh không đáp ứng được yêu cầu thì phải ra đi để nhường chỗ cho những người tốt, những người có năng lực, những người đáp ứng được yêu cầu công việc vào làm việc”, ông Tuấn cho hay, đồng thời khẳng định số liệu 30% người không làm được việc là sai.

Ông Tuấn cũng tỏ ra “chạnh lòng” khi báo chí đề cập đến cụm từ “đúng quy trình” trong thời gian qua. Theo ông Tuấn, các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tuyển chọn lãnh đạo là bất cứ một cơ quan, đơn vị nào khi triển khai đều phải thực hiện gồm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục. Cho nên các cơ quan thanh tra, kiểm tra khi đi thanh tra đều phải bám vào cái đó để làm.

“Anh bổ nhiệm người phải đúng quy định của pháp luật, anh lấy người, bổ nhiệm người theo đúng quy định của pháp luật, mà quy định của pháp luật chính là tiêu chuẩn, là điều kiện, là quy trình, thủ tục. Cái chính đúng quy trình rồi nhưng có đảm bảo chất lượng không lại là câu chuyện khác, câu chuyện này phụ thuộc vào trách nhiệm của người đứng đầu, và vai trò của tập thể cấp ủy về công tác cán bộ”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, phải có giải pháp khác như được tuyển chọn, bổ nhiệm vào vị trí đó rồi nhưng không làm được việc thì phải ra đi, nhường chỗ cho người khác.

“Chúng ta phải có cơ chế đào thải. Hiện nay, trong luật cũng đã có quy định về miễn nhiệm rồi, nhưng theo tôi có lẽ còn phải bổ sung thêm một số giải pháp khác như người đứng đầu và lãnh đạo cơ quan thấy người đó không làm được việc thì phải họp cấp ủy lại để bàn cách miễn nhiệm chức vụ, tìm người khác đáp ứng được yêu cầu để đưa vào”, ông Tuấn nêu.