Tổng kết 20 năm ĐH ngoài công lập, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam:

“Con nuôi kêu dữ quá!”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH - CĐ ngoài công lập. ảnh: Hồ Thu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH - CĐ ngoài công lập. ảnh: Hồ Thu
TP - Tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức hôm qua, 14/3, nhiều ý kiến từ đại diện các trường ngoài công lập đã khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải thốt lên: “Con nuôi kêu dữ quá!”.

Điều được nói đến nhiều nhất tại hội nghị là sự “bất công” mà các trường ngoài công lập (NCL) cho rằng họ đang phải gánh chịu.

Mở đầu, ông Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân (Huế) trình bày: trường công lập được đầu tư từ A đến Z nhưng lại được tuyển sinh vét đến điểm sàn; ngoài ra, một số địa phương công khai tuyên bố không tuyển người tốt nghiệp trường NCL gây nên sự bất bình đẳng cho khối NCL. 

Ông Ngộ cũng đặt câu hỏi: trường có phải doanh nghiệp không mà bị thu thuế theo Luật doanh nghiệp, tới 25 %, trước đây, và bây giờ là 10%? Ông Ngộ cũng nêu vấn đề: vì nhận thức trường là một doanh nghiệp nên có những người chạy theo đồng tiền, bất chấp việc đào tạo con người; gây mâu thuẫn cũng vì lợi nhuận.

Không có lý gì trên một địa bàn chỉ có 5 km mà cho xây dựng một chục trường ĐH; rồi tên tự nhiên đặt là ĐH quốc tế khiến cho xã hội bối rối. Có hiện tượng xây trường kiểu hớt váng sữa- lập trường dân lập để dưỡng già.

 Hiệu trưởng ĐH Bình Dương Cao Văn Phường

Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT trường CĐ ASEAN phản ánh hiện tượng chạy theo ngành hot khiến trường công lập nào cũng đào tạo tài chính ngân hàng, dạy cả ngày lẫn đêm. Bà Phương nhấn mạnh: trong khi trường công lập tuyển sinh theo kiểu “bắt từ con mực, con tôm, con tép”, khiến cho trường công có tới trăm ngàn, chục ngàn sinh viên trong khi NCL chỉ sai một tí là bị “triệt hại”. 

Cũng tại hội nghị, TS Quách Đình Liên, Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình Dương “tố”: trường quốc gia, trường vùng, mở chi nhánh không biết bao nhiêu nơi, không đưa giảng viên đi dạy mà huy động giảng viên tại chỗ. Ông Liên kết luận: phân tán nguồn lực như vậy làm sao có thể đảm bảo chất lượng?
“Con nuôi kêu dữ quá!” ảnh 1 Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Hồ Thu
Nhìn chung, đại diện nhiều trường NCL đã “xả” ra những vấn đề của 20 năm qua, từ việc người quản lý NCL thiếu thực tế đào tạo NCL đến thái độ ứng xử của người quản lý khiến cơ sở bị oan sai, ấm ức. 

Nói về điều này, bà Phương nhận định: đổi mới chính sách thì những người quản lý cũng phải đổi mới, nhiều lúc chúng tôi oải, muốn bỏ trường chỉ vì một số ứng xử trong quản lý! Lắng nghe, ghi chép, nhận định, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phải thốt lên: Nếu coi các trường NCL là “con nuôi” thì tôi nghe hội nghị từ sáng tới giờ, thấy “con nuôi” kêu dữ quá!

“Hủy diệt” xã hội hóa?

ĐH dân lập Hải Phòng là 1/20 trường đầu tiên được kiểm định, là 1/25 trường có sinh viên tốt nghiệp có việc làm (93,6%, theo công bố của dự án sông Mê Kông) và là 1/100 trường có thương hiệu hàng đầu ở VN, nhưng 5 năm nay không thể tuyển đủ người học, mặc dù 10 năm trước nữa, năm nào cũng tuyển đủ chỉ tiêu, ông Trần Hữu Nghị trình bày vấn đề với một vẻ xúc động khiến người nghe có cảm giác hoang mang.

Lý giải điều này, ông Nghị nói: Đó là do sự bất bình đẳng giữa trường công lập và NCL: điểm sàn như nhau; điều kiện vào ĐH như nhau; sinh viên trường công lập được hưởng học bổng thì sinh viên NCL phải đóng học phí cao hơn, đóng thuế lại một lần nữa với giá trị gia tăng tiền ở, tiền ăn, tiền gửi xe đạp… trong khi đầu ra sinh viên công lập cũng đã đón lõng hết vì nhiều nơi không nhận người tốt nghiệp NCL. 

“Ai sẽ đến học và tôi cũng sẽ không gửi con tôi đến học trường NCL, những bất cập như thế liệu sẽ tồn tại đến bao giờ, và nếu không giải quyết thì không ai dám đầu tư vào giáo dục” - Ông Nghị cho biết.

Dường như nhân tố hủy diệt xã hội hóa giáo dục lớn hơn là những bất cập trong việc chuyển đổi từ trường dân lập (DL) sang trường tư thục (TT). Số là, ông Nghị trình bày, khi là trường DL thì hội đồng quản trị nhà trường có đầy đủ thành phần, gồm nhà đầu tư, Đảng, Đoàn, giáo viên…; chuyển sang TT thì người nào có tiền nhiều nhất là khống chế trong hội đồng và chưa chắc giáo viên đã có trong thành phần- người có tiền sẽ “lái” giáo dục!

Nhận xét về điều này, ông Hoàng Văn Hoan (ĐH Văn Lang) nói: chuyển DL sang TT thì giết luôn tư thục- không ai dám đầu tư tiếp vì phải ngồi nghe người khác quyết định vận mệnh của mình!

Vì những bất cập, có trường chuyển, có trường chưa, mặc dù chủ trương đã có từ năm 2007. Nhưng mà, không chuyển cũng chết, ông Nghị nói, chúng tôi “đứng đường” đã mấy năm nay vì DL là do Bộ quản; TT là do UBND; chỗ này chỉ chỗ kia, thành ra không ai bảo vệ!

Hãy chơi bình đẳng!

Về vấn đề quy hoạch hệ thống GD ĐH, Ông Cao Văn Phường Hiệu trưởng trường ĐH Bình Dương cho rằng, hiện nay hệ thống giáo dục đã bị phá vỡ do việc xây dựng trường công, trường tư. Ông Phường than: không có lý gì trên một địa bàn chỉ có 5 km mà cho xây dựng một chục trường ĐH; rồi tên tự nhiên đặt là ĐH quốc tế khiến cho xã hội bối rối. Theo ông Phường, có hiện tượng xây trường kiểu hớt váng sữa- lập trường dân lập để dưỡng già…

Nếu đặt vấn đề tồn tại hay không tồn tại thì phải trả lời được câu hỏi: có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không. Đó là lời khẳng định của ông Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng ĐH công nghệ TPHCM. Bản chất cuối cùng của giáo dục là sản phẩm giáo dục và từ đó có thể đánh giá anh là ai, ông Lộc nói.

Từ đào tạo đến sản phẩm, đến nhà tuyển dụng là một vòng tròn khép kín, ông Lộc phân tích, vì vậy, muốn nâng cấp hệ thống chúng ta không thể điều khiển nhà tuyển dụng hay ép buộc người học và chứng minh sản phẩm! Điều cần làm là chúng ta phải tác động vào hệ thống đào tạo để đưa ra sản phẩm được xã hội chấp nhận và lập tức sẽ tuyển sinh được, ông Lộc nhấn mạnh.

Không phân biệt công lập hay ngoài công lập!

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cam kết, nếu còn vướng gì về chính sách sẽ mời các bộ ngành cùng giải quyết tại chỗ. Ông cũng cho biết, ông đồng tình với việc tăng cường vốn ODA để hỗ trợ trường NCL trên cơ sở xem xét có chương trình gì chung mà tất cả các trường được hưởng lợi. Phó Thủ tướng chỉ đạo: Bộ GD&ĐT cần rà soát lại tất cả những gì liên quan đến chính sách, sinh viên và những gì còn bất bình đẳng thì giải quyết, không phân biệt công lập hay NCL!

Nếu cứ tư duy “cá bé” thì thôi!

Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, cần tách biệt chức năng của trường công lập và NCL, đại ý là, đại học công lập đào tạo nhân tài, là lò luyện thép, là tàu lớn đánh bắt xa bờ. Còn đại học ngoài công lập là lò rèn búa rèn dao, đánh bắt cá con ăn ngay tại chỗ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không đồng tình với quan điểm này. Ông Đam nói: “Tôi không đồng ý trường NCL phân tầng và chỉ bắt cá nhỏ. Tôi kỳ vọng những trường NCL, tuy còn khó khăn lúc đầu, với những thế mạnh mà chỉ trường NCL mới có, phải bắt được những con cá to hơn trường công lập! Chúng ta phải cùng nhau ra chính sách, ra cơ chế để cùng nhau làm, kéo trường công lập cùng làm. 

Đây là trách nhiệm đối với đất nước . Tôi hy vọng các trường NCL phát triển mạnh và không nói suông mà phải hành động. Nếu các trường NCL đồng ý với quan điểm này thì một năm sau chúng ta gặp để đánh giá lại. Còn nếu cứ tư duy “cá bé” thì thôi!”.

MỚI - NÓNG