Ði du lịch “dính”COVID, phải làm sao?
Ông Phạm Duy Nghĩa, Tổng Giám đốc Cty Du lịch VietFoot Travel chia sẻ, 90% thị trường du lịch thế giới đã mở cửa bình thường trở lại. Việc xin thị thực (visa) đi du lịch quốc tế không phải là vướng mắc lớn nhất thời điểm này, thay vào đó, chưa có quy định về việc đi rồi về có khách trở thành F0.
Theo ông Nghĩa, hiện, khách từ nước ngoài về vẫn duy trì cách ly 3 ngày tại khách sạn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành, bởi không có khách nào muốn đi du lịch về bị cách ly ngay. Ngoài ra, trong quá trình khách đi tua, nếu không may nhiễm COVID-19 vẫn chưa có hướng giải quyết về trách nhiệm giữa các bên.
“Đơn vị du lịch tổ chức đi chịu trách nhiệm đầu tiên nhưng đến đâu cũng chưa quy định rõ. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại chưa có hãng bảo hiểm nào có mục quy định về nhiễm COVID-19 cho khách du lịch. Thêm nữa, đối tác tại nước ngoài và hàng không từ chối trách nhiệm”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa tính toán, nếu như không có bên nào chịu trách nhiệm, khách bị nhiễm COVID-19 ở nước ngoài sẽ mất nhiều chi phí. Cụ thể, tại châu Âu, khách phải bỏ ít nhất 300 Euro/ngày cho ăn uống, ngủ nghỉ. “Khách F0, nếu như ở lại điều trị 5 ngày, sẽ mất số tiền không nhỏ. Bên cạnh đó, sự khó khăn của các hãng hàng không khiến họ cũng không chịu trách nhiệm khi có khách bị COVID-19 về chậm so với đoàn. Vì thế, khách chịu thêm khoản chi phí không nhỏ mua vé máy bay về”, ông Nghĩa nói.
Khách quốc tế đến Việt Nam cũng gặp phải tình cảnh tương tự nếu như bị nhiễm COVID-19 trong quá trình du lịch. Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events cho rằng, từ 15/3, rất có thể sẽ miễn lại visa như cũ, nhưng nảy sinh một số vấn đề khác, trong đó nổi bật là mối lo về quy định xử lý các trường hợp F0, F1 của Việt Nam vẫn phức tạp.
Cụ thể, quy định F0 và F1 phải cách ly y tế có thể khiến nhiều du khách đến thời điểm này sẽ còn lăn tăn khi sang Việt Nam. Bởi lẽ, khách từ châu Âu bay sang với mức phí cao, nên một ngày cách ly cũng khiến họ có thể mất mấy trăm USD.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói: “Chúng ta có thể tự tin với quyết định mở cửa ngành Du lịch vì Việt Nam có những điều kiện cạnh tranh như tài nguyên dồi dào, hấp dẫn... Ngay trong dịp Tết, cả nước có hơn 6 triệu lượt khách du lịch trong 9 ngày. Thực tế này cho thấy tâm thế sẵn sàng đi du lịch của người Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam thiếu tính nhạy bén, thận trọng mở cửa hơn các nước, thiếu nhất quán trong triển khai ứng phó với COVID-19, cụ thể là mỗi tỉnh có một chính sách cách ly. Sự thiếu nhất quán sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh du lịch. Khi đó, trách nhiệm sẽ dồn lên những người làm du lịch”.
Chưa rõ mức ưu tiên đón khách quốc tế
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) đánh giá, dịp Tết vừa qua là sự khởi đầu ấn tượng của hoạt động du lịch. Ông Phương dẫn số liệu, có 6,1 triệu khách du lịch nội địa trong dịp Tết với 3,2 triệu khách lưu trú sau 2 năm đóng cửa.
Theo ông Phương, trước đó, tháng 11 năm ngoái, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhận được sự ủng hộ của các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp. “Đã có 9.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán, thể hiện sự quan tâm của thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nga...”, ông Phương thông tin.
Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, trong giai đoạn đầu thí điểm mở cửa, vẫn có những khó khăn. Cụ thể, Hàn Quốc điều chỉnh chính sách chống dịch vào tháng 12, hay Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid-19”, khiến hợp đồng du lịch đến Việt Nam hạn chế lại.
Ông Phương cho biết thêm, theo lộ trình mở cửa, từ 15/3 sẽ theo bối cảnh bình thường mới, mọi thứ sẽ linh hoạt hơn. Cụ thể, trước đây khách quốc tế đến Việt Nam phải có giấy xét nghiệm PCR trong vòng 72h, đi tua trọn gói 3 ngày. Bây giờ, khách có thể xét nghiệm (test) nhanh 24h. “Điều này tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và khách du lịch”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, tất cả các cửa khẩu cũng đã sẵn sàng đón khách. “Trước đây, chúng ta chỉ đón khách qua đường hàng không nhưng giờ sẽ mở cửa hết (cả cửa khẩu trên đường bộ và đường biển). Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng ủng hộ quyết định mở cửa các cửa khẩu và sẵn sàng đón khách. Bên cạnh đó, tất cả các địa phương trên cả nước cũng sẽ được mở cửa đón khách. Du khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và đường biển chỉ cần test ngay cửa khẩu, có kết quả âm tính sẽ được nhập cảnh. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ triển khai phương pháp này”, ông Phương nói.
Cũng ông Phương cho biết thêm, vấn đề về thị thực sẽ áp dụng nhiều biện pháp mới như áp dụng visa điện tử, miễn thị thực đơn phương, song phương. Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sẽ có ý kiến báo cáo Chính phủ.