Con ngư dân Hoàng Sa và giấc mơ đại học

Các sĩ tử Lý Sơn hối hả lên tàu “vượt biển” vào đất liền thi ĐH-CĐ. Ảnh: Anh Thư
Các sĩ tử Lý Sơn hối hả lên tàu “vượt biển” vào đất liền thi ĐH-CĐ. Ảnh: Anh Thư
TP - Cầu cảng cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) những ngày này, trên các chuyến tàu khách xuất bến hối hả rời đảo, hàng trăm học sinh là con em ngư dân với hành lý trên vai hối hả “vượt biển” mang theo khát vọng cháy bỏng cho kỳ thi đại học sắp tới.

Mơ thành kỹ sư nông nghiệp trên đảo 

Những ngày sát kỳ thi ĐH-CĐ, em Dương Thị Lập (lớp 12 D2, trường THPT Lý Sơn) ở thôn Tây, xã An Hải vẫn còn miệt mài trên đồng phụ giúp mẹ trồng xong vài sào hành trái vụ. Nhà neo người, cha đi biển quanh năm, ở nhà chỉ còn 2 mẹ con nên trước khi vào đất liền ứng thí, em tranh thủ giúp mẹ kiếm thêm thu nhập. 

Nhà có 4 chị em gái, tất cả đều lập gia đình và làm ăn xa quê chỉ còn mình Lập ở nhà với mẹ. “Em phải vắng nhà, chỉ thương mẹ thui thủi một mình”, Lập bộc bạch. Kỳ thi này, em đăng ký thi vào ĐH Đà Nẵng và ĐH Công nghiệp TPHCM cơ sở 2 tại Quảng Ngãi với ước muốn trở thành cô kỹ sư nông nghiệp, sau này giúp nông dân trồng hành trồng tỏi quê mình.

Chị Nguyễn Thị Hoa, 47 tuổi, mẹ của Lập, kể: Suốt 12 năm học, Lập đều đạt thành tích học tập tốt. Lập là người sáng dạ có chí tiến thủ nhất trong số mấy chị em, nên gia đình đặt hết hi vọng và động viên em học hành. “Vợ chồng quanh năm kiếm ăn trên biển, trên đồng, dù khổ cực đến mấy cũng cam chịu miễn sao các con được học hành tử tế, sau này ra đời không vất vả đội nắng đội mưa như cha mẹ chúng là mừng rồi”, chị Hoa tâm sự.

Con ngư dân Hoàng Sa và giấc mơ đại học ảnh 1

Vừa thi tốt nghiệp xong, các bạn cùng lớp rủ nhau vào đất liền ôn thi ĐH, nhưng vì gia cảnh khó khăn lại neo người nên Lập đành xin tài liệu của các anh chị đi trước để ôn thi. “Phiên biển trước vì bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản tại Hoàng Sa nên cha trắng tay trở về từ biển, mẹ mới tờ mờ sáng đã dậy lên đồng, em thấy thương quặn lòng. Cả đời cha mẹ đã vất vả với 4 chị em, nay về già vẫn quần quật lao động, nên em nguyện phải ráng học tốt, mong sao kỳ thi này em đậu để không phụ công cha mẹ”, Lập bùi ngùi.

Chịu bạo bệnh, quyết mong con nên người 

Cùng cảnh ngộ với Lập còn nhiều sĩ tử con ngư dân Lý Sơn khác. Như em Mai Văn Lộc, ở thôn Tây, xã An Hải, cha là ngư dân vừa tử nạn ở Hoàng Sa. Ngôi nhà em đang xây dựng dang dở còn trống hoác, nằm nép mình ven làng chài nhỏ. Gặp Lộc vừa vác cuốc đi làm đồng về. Quệt vội những giọt mồ hôi, Lộc chia sẻ: Vài ngày nữa là vào vụ hành chính vụ, vì nhà không có người nên em phải tranh thủ giúp mẹ làm đất để kịp xuống giống hành trước khi đi thi.

“Kỳ thi ĐH-CĐ năm nay, trường THPT Lý Sơn có khoảng 400 thí sinh đăng ký dự thi. Trong số đó, có nhiều sĩ tử là con ngư dân có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, các em vẫn luôn ước mơ về tương lai tươi sáng đang chờ phía trước. Mong rằng ước mơ của các em thành hiện thực để góp phần xây dựng quê hương” 

Thầy Huỳnh Văn Long - Phó hiệu trưởng trường THPT Lý Sơn 

Chỉ căn nhà chưa hoàn thành còn bề bộn ngổn ngang vôi vữa, Lộc cho biết: Đã 3 năm rồi ngôi nhà vẫn làm chưa xong. Từ khi cha Lộc tử nạn trên biển bởi cơn đau ruột thừa, gia cảnh trở nên khó khăn hơn, bởi mọi thu nhập của cả nhà đều dồn lo cho Lộc và anh trai đang theo học đại học năm 3. Kèm theo đó, mẹ em vừa phát hiện bị bệnh u nang ác tính… Bà Huỳnh Thị Hồng, 56 tuổi, mẹ của Lộc tâm sự: “Tui cả đời làm lụng sớm hôm, chồng mất sớm để lại con nhỏ, tiền nợ làm nhà chưa trả xong thì nay lại bị bạo bệnh. Nhưng dù thế nào cũng quyết cho con ăn học nên người”. 

Bà Hồng nhẩm tính: Để có tiền cho Lộc tham gia kỳ thi này, bà đã phải lo từ nhiều tháng nay, nào tiền tàu xe, tiền ăn trọ… Đủ thứ tiền nên bà phải tính trước, không đủ tiền bà phải bán vội vài bao tỏi để có đồng ra đồng vào cho Lộc đi thi. “Dù khổ mấy tui cũng chịu được, miễn sao cháu nó thi đậu là mình mừng rồi, còn chuyện ở nhà cơm cháo rồi cũng qua”, bà nói. Bởi theo lời bà, khi ba chúng còn sống, ước nguyện lớn nhất của ông là làm sao để nuôi dạy 2 anh em chúng nên người. Giờ ổng mất rồi, tôi phải có trách nhiệm nuôi chúng khôn lớn. 

Giữa nắng trưa hầm hập như dội lửa, bóng bà Hồng với đôi quang gánh trên vai in dài trên nền cát bỏng rát. Giờ này bà phải ra bến để chuẩn bị cho phiên chợ chiều, góp thêm ít tiền lẻ để ngày mai Lộc khăn gói lên đường đi thi.

MỚI - NÓNG