'Con nghiện' hiện diện khắp nơi: Khó cai ngoài cộng đồng

TP - “Nếu còn ở ngoài tôi chả bao giờ từ bỏ được “nàng tiên nâu”. Người nghiện và người bán ma túy ví như “mèo và thịt mỡ” gặp nhau và vồ lấy nhau”- anh D.V.L. 44 tuổi nói khi đã có 23 tháng cai nghiện tại Trung tâm Nhị Xuân, TPHCM. 

'Con nghiện' hiện diện khắp nơi: Khó cai ngoài cộng đồng ảnh 1 Để cắt cơn nghiện các học viên ngoài được trị liệu cũng dành nhiều thời gian để thư giãn... Ảnh: L.N

Cách nào dứt “nàng tiên nâu”?

D.V.L, 44 tuổi ở quận Tân Bình, người duy nhất có hai tấm bằng đại học ở Trung tâm Nhị Xuân, huyện Hóc Môn, TPHCM, nói rằng nếu không có nơi đây chắc chắn mình sẽ không bao giờ từ bỏ “nàng tiên nâu” được. Vào Sài Gòn từ năm 1997 với vai trò là người đại diện cho một công ty lớn tại TPHCM nhưng rồi “có tiền lại sinh ra tật”. L. rơi vào cạm bẫy khi đêm nào cũng vào các quán bar, dần bị sức hút của ma túy đá hấp dẫn. Từ thử rồi đến nghiện lúc nào L. không hay.   

Cuộc sống với ma túy đã làm cho L. mất tất cả, từ gia đình, tiền tài và danh vọng. 23 tháng ở Trung tâm Nhị Xuân gần như đã làm L. thay đổi hoàn toàn. “Giờ tôi đã gớm cái thứ đập đá và hút chích ấy rồi”- L, nói. L. thú thật: “Khó mà cai được ở ngoài cộng đồng. Nói thật còn ở ngoài đó, với tụi bán ma túy cứ lỡn vỡn như thế thì khó mà cai được. Thậm chí là tăng liều thêm nữa”. 

“Với ma túy đá, nếu dùng thường xuyên và kéo dài thì não bộ người dùng sẽ bị tác động, tế bào thần kinh sẽ bị ngộ độc dẫn đến hoang tưởng... giống như bệnh tâm thần phân liệt”.

Bác sĩ Thắng phân tích
27 tuổi nhưng N.V.S ở quận 6, TPHCM đã có thâm niên 6 năm nghiện ma túy. Từ một chàng trai với tương lai sáng rạng khi gia đình chuẩn bị cho S. một chỗ làm đàng hoàng nhưng vì một phút sa chân, S. dính vào con đường ma túy. Sự quyến rũ của “nàng tiên nâu” khiến cho S. không dứt ra được và ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Sau khi bị bắt và đưa vào Trung tâm Nhị Xuân tại huyện Hóc Môn, S gần như đã thay đổi hoàn toàn. Đã 19 tháng trôi qua, môi trường mới, với sự giúp đỡ của những người quản viên nơi đây, S. đã dần trở lại bình thường. 

“Bây giờ tôi cảm thấy rất thoải mái, không còn thèm thứ chết tiệt ấy nữa”- S. khoe. Ông Hồ Đăng Tĩnh- Đội trưởng Đội quản lý học viên số 1 của Trung tâm Nhị Xuân cho biết, chỉ riêng đội này có 230 học viên. Lúc đầu mới vào đây đối tượng nào cũng “khó bảo” nhưng sau khi được đào tạo họ đều có ý thức cai rất tốt.

“Để người nghiện ở cộng đồng là có tội”

Với hơn 300 đối tượng cai nghiện tự nguyện nhưng theo bác sĩ Nguyễn Huy Khánh Duy- Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện Thanh Đa, quận Bình Thạnh, con số này vẫn còn quá ít so với sức chứa gần 1.000 người. Ông nói rằng đừng quá đặt nặng vấn đề bắt người nghiện đi cai tập trung là “vi phạm về nhân quyền” mà xem việc cai là giúp cho chính bản thân họ, gia đình họ và cả xã hội.

“Người nghiện ma túy là do tác động từ gia đình và xã hội. Giờ Luật lại để người nghiện cai tại gia đình và cộng đồng chẳng khác nào mình tự trói chân mình”- bác sĩ Duy nói. Người này phân tích thêm: “Muốn cai nghiện thì nên tập trung, cắt cơn theo đúng quy trình khoa học, tham vấn, tư vấn đúng cách rồi giáo dục cho họ đến khi hết nghiện mới trả về. Nếu để họ ở cộng đồng rất dễ làm họ nghiện nặng thêm, tăng liều hoặc bỏ đi nơi khác”.   

Bà Nguyễn Thị Hiền - Trưởng phòng Tư vấn giáo dục dạy nghề Trung tâm Nhị Xuân cho biết, sau 24 tháng cai nghiện tại Trung tâm gần như học viên đều cắt cơn hoàn toàn, rất ít đối tượng tái nghiện. Tuy nhiên ý thức bản thân và sự theo dõi, chăm sóc hỗ trợ của người thân sau khi tái hòa nhập cộng đồng là điều quan trọng nhất. “Họ có thể ngăn cách với ma túy nếu như được gia đình quan tâm chu đáo, động viên”- bà Hiền chia sẻ. Ông Hồ Đăng Tĩnh cho rằng hơn 1.000 đối tượng vào đây cai, đều được thông báo cho biết họ sẽ hòa nhập cộng đồng sau 24 tháng. 

Bác sĩ Duy cũng cho rằng, cơ quan chức năng nên đưa đối tượng nghiện đi cai theo kiểu cuốn chiếu, có nghĩa ai đã được lập hồ sơ rồi thì đưa đi cai trước, không nên tập trung quá đông bởi sẽ tạo áp lực lên cơ sở vật chất và con người. 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bác sĩ Trịnh Tất Thắng- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết, cai nghiện là một việc làm quan trọng, cần sự chung tay của bác sĩ và cả chuyên gia tâm lý... trong một thời gian nhất định. Vì vậy, việc đưa đối tượng nghiện đi cai tập trung là cần thiết. Bác sĩ Thắng cho rằng, con người khi nghiện các loại như ma túy hay thuốc phiện, heroin đều có nguy cơ gây hại cho bản thân lẫn những người xung quanh nên để ở cộng đồng là rất khó.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.