Không ít lần mất cổ vật
Trong các năm 2010, 2011 và 2013, tại Huế rộ lên các vụ trộm cắp cổ vật trong hệ Quần thể di tích Cố đô Huế, mà cụ thể là tại các lăng vua Khải Định, Tự Đức... Điều đó từng làm dấy lên nhiều mối quan tâm, bàn tán, lo ngại về chuyện cổ vật Huế tiếp tục mất mát, “chảy máu” giữa thời bình.
Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, hiện là Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TT-Huế, qua các tài liệu lịch sử, khi trở thành kinh đô của triều Nguyễn, Huế là nơi tập trung các cổ vật, báu vật của đất nước. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng những biến động lịch sử, rất nhiều trong số ấy đã tản mát đi khắp nơi trên thế giới.
Cũng theo nguyên Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, căn cứ vào các tư liệu lịch sử, tại Huế đã từng xảy ra không ít lần mất mát cổ vật, tiêu biểu là vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972... Trong đó, vụ mất mát cổ vật, báu vật lớn nhất của Huế trong lịch sử, gắn với sự kiện đau thương “thất thủ kinh đô”, xảy ra cách đây 135 năm.
Sau khi kế vị vua Hàm Nghi, vua Đồng Khánh từng nỗ lực đòi lại một số báu vật bị quân Pháp cướp mất trước đó. Triều Nguyễn phải tốn không ít sức lực và tiền bạc để lấy lại được phần lớn ấn tín quan trọng nhất và 9 khẩu đại bác bằng đồng vốn tượng trưng cho sức mạnh triều đại (bộ Cửu vị Thần công).
Tuy bị mất mát phần lớn những báu vật và của cải, nhưng theo nhiều tài liệu, triều Nguyễn vẫn giữ lại được một phần báu vật rất có giá trị. Hầu hết các báu vật này là kim bảo, ngọc tỷ gắn với các đời hoàng đế, hoàng hậu, những đồ ngự dụng vốn gắn liền với cuộc sống của họ, sau được dùng như những vật thờ tự.
Bảo quản đặc biệt 2.500 cổ vật
Theo các tài liệu, tháng 8/1945, sau khi vị hoàng đế cuối cùng thoái vị, triều Nguyễn đã bàn giao hầu hết các báu vật còn lại của vương triều cho Chính phủ Cách mạng lâm thời, trong đó có cả bộ ấn kiếm tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế. Toàn bộ số cổ vật, với đa số là những hiện vật biểu tượng cho triều đại (kim ấn, bảo tỷ, bảo kiếm), đồ ngự dụng quý hiếm… sau đó được đem ra Hà Nội và được bảo quản đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Với nghiên cứu của mình, tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết, người đóng vai trò quyết định và kiên quyết yêu cầu giữ bằng được những cổ vật quý giá do triều Nguyễn giao lại này chính là Hồ Chủ tịch. “Cuối năm 1946, Chính phủ ta buộc phải rút ra khỏi Hà Nội để lên chiến khu Việt Bắc. Trong lúc khó khăn nhất, ngân sách kiệt quệ, một số ý kiến từng đề nghị Cụ Hồ đem bán số báu vật của triều Nguyễn để lấy tiền mua vũ khí, lương thực… Tuy nhiên, Hồ Chủ tịch không đồng ý. Người cho rằng, đó là số văn vật tinh hoa của các tiền nhân để lại, là thứ vô cùng quý giá cần phải được giữ gìn bằng mọi giá”, tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết.
Theo cuốn “Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn” do NXB Văn hóa Dân tộc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp thực hiện, bộ sưu tập bảo vật vô giá của triều Nguyễn do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ hiện có khoảng 2.500 hiện vật. Với hàng nghìn cổ vật quý hiếm như vậy, nhưng do chính sách lưu quản hết sức đặc biệt, nên không phải ai cũng may mắn có dịp tận mục.
Với mong muốn đưa được một số báu vật tiêu biểu của triều Nguyễn về ra mắt đông đảo công chúng tại nơi nó sinh ra - Cố đô Huế, được sự đồng ý của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, từ năm 2014 đến 2018, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã không ít lần phối hợp tổ chức triển lãm báu vật hoàng cung triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Trong đó, đáng chú ý là các cuộc triển lãm “Trang sức cổ Việt Nam” (2015), “Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn” (2016), “Kim bảo và kim sách” (2016), “Rồng, phượng trên cổ vật triều Nguyễn” (2018)…
Trong những lần triển lãm trên, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã đưa về Huế nhiều báu vật vô cùng quý giá như: Thanh bảo kiếm của Hoàng đế Gia Long, những kim ấn, bảo tỷ quý nhất của triều Nguyễn như “Kim ấn Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo”; “Sắc mệnh chi bảo”, “Hoàng Đế Tôn Thân chi bảo”; các bảo tỷ truyền quốc bằng ngọc; các mũ miện của hoàng đế triều Nguyễn, các đồ ngự dụng bằng ngọc ngà, sứ cao cấp được chế tác vô cùng tinh xảo…
Tuy bị mất mát phần lớn những báu vật và của cải, nhưng theo nhiều tài liệu, triều Nguyễn vẫn giữ lại được một phần báu vật rất có giá trị. Hầu hết các báu vật này là kim bảo, ngọc tỷ gắn với các đời hoàng đế, hoàng hậu, những đồ ngự dụng vốn gắn liền với cuộc sống của họ, sau được dùng như những vật thờ tự.