Đây là món quà đặc biệt mà Phái đoàn Wallonie-Bruxelles muốn dành tặng khách mời trong khuôn khổ các hoạt động nhân Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/3 tại Việt Nam nhằm tôn vinh sự đa dạng văn hóa cũng như tăng cường giao lưu văn hóa giữa Việt Nam, Bỉ và cộng đồng các nước nói tiếng Pháp.
Mới lạ cách viết marathon
Ông Christian Bourgoignie, trưởng đại diện phái đoàn Wallonie- Bruxxels chia sẻ: “ Ý tưởng viết tiểu thuyết marathon nảy ra trong buổi tiệc tại nhà tôi khi Nicolas chuyện trò cùng giám đốc Cty Nhã Nam. Dịp đó Nicolas sang Việt Nam ra mắt cuốn sách Chuyện tầng 5 của anh mà Nhã Nam mua bản quyền.”
Trước đó, Nicolas thổ lộ, anh có ước mơ được viết năm cuốn tiểu thuyết trong vòng 24h ở năm châu lục khác nhau. Anh đã thực hiện việc viết tiểu thuyết trong vòng 24h lần đầu ở Bruxelless (châu Âu), lần hai ở New York (châu Mỹ).?Khi được biết Chuyện tầng 5?được xuất bản ở Việt Nam, anh đã đề nghị công ty phát hành là Nhã Nam cho anh được thử thách ở châu Á.
Đây là hình thức viết khá mới mẻ, bắt nguồn từ từ “ marathon” với nghĩa chạy nước rút để nói về quá trình hoàn thành tác phẩm trong một thời gian gấp gáp. Với Nicolas, anh chọn thời lượng 24 giờ để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết. Anh vừa viết, vừa chia sẻ bài viết của mình ngay trên mạng.
Tiểu thuyết “Cơn hoảng loạn thoáng qua” được thực hiện trong vòng 24 giờ với 12 giờ viết tại Hà Nội (ngày 25/9) và 12 giờ viết tại thành phố Hồ Chí Minh (30/9). Lúc đó, độc giả có thể đọc trực tuyến bằng tiếng Pháp và tiếng Việt (được dịch song song) đồng thời với tác giả qua trang Twitter và Facebook cá nhân của Nicolas và trang facebook của NXB Nhã Nam. Được biết, số lượng người truy cập và like (đánh dấu thích) các đoạn viết của Nicolas qua facebook của Nhã Nam lên tới hàng ngàn người.
Ông Christian Bourgoignie tiết lộ, cách đây 2 tuần, nhà văn Nicolas cũng đã thực hiện việc viết marathon cùng với một số nhà văn khác tại Berlin, Đức.
Cuốn sách mới ra lò.
Vừa viết, vừa trả lời phỏng vấn
Tại buổi ra mắt cuốn sách in, chúng tôi được nghe những câu chuyện thú vị về cuộc viết marathon tiểu thuyết “Cơn hoảng loạn thoáng qua” từ chị Lê Tuyết Nhung, nhân viên Phái đoàn Wallonie-Bruxelles, một trong hai người dịch đồng thời từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.
Chị Nhung cho biết: “Nicolas có óc quan sát rất nhanh. Chỉ sang Việt Nam có mấy hôm, nhưng các chi tiết anh đưa vào trong truyện khiến người ta ngỡ như anh đã ở đây rất lâu rồi như chuyện về các công nhân lắp ráp ở nhà máy điện thoại Samsung, chuyện về đôi trai gái bị kẹt ở công viên nước vì mất điện, và nhớ tên đường phố, khách sạn như phố Lê Lai, khách sạn Sofitel Plaza, tòa nhà Bitexco…”.
Không những thế, chị Nhung cho biết, nhà văn có khả năng biến hóa nhanh, năng lượng làm việc rất lớn và có khả năng hài hước.
Dù đã có kha khá kinh nghiệm dịch văn học, nhưng đây là lần đầu chị Nhung dịch trực tuyến, lại kéo dài tới 12 giờ liền khiến chị rất hồi hộp và khá mệt. Đêm đầu tiên sau khi dịch tại Hà Nội, chị Nhung đã không ngủ được.
Trong 12 giờ làm việc liên tục từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, nhà văn Nicolas và hai dịch giả, chỉ nghỉ ăn trưa tại chỗ khoảng 10 phút, rồi lại bắt tay vào làm việc. Chị Nhung kể, Nicolas uống cà phê liên tục.
Cùng dịch với chị Nhung là chị Phùng Hồng Minh, cán bộ truyền thông của Nhã Nam. Chị Minh cho biết, nhà văn gõ rất nhanh và đặc biệt là khả năng tập trung rất cao. Anh vừa viết, vừa chia sẻ với độc giả, vừa đọc bình luận và thậm chí vừa trả lời phỏng vấn của nhà báo, vậy mà không hề bị phân tâm.
Nhận xét về dự án này, chị Minh cho biết: Đây là dự án hợp tác văn hóa rất thú vị. Nó làm cho đời sống văn hóa trong nước phong phú lên. Cả ba người đều làm việc phi lợi nhuận nhưng đầy hăm hở. Nicolas không lấy tiền bản quyền, còn hai người dịch thì hỗ trợ miễn phí cho Nicolas chứ không hề lấy một đồng tiền công dịch thuật.
Nicolas Ancion (sinh năm 1971) là nhà văn Bỉ, sáng tác tiểu thuyết và thơ, đoạt nhiều giải thưởng tại Bỉ và nước ngoài. Nicolas Ancion từng nhận được giải thưởng quốc tế dành cho tác giả trẻ năm 1989, 1991. Năm 2009, anh giành giải Rossel giới trẻ, giải thưởng văn học danh giá của Bỉ.