Con đường 'đắt nhất hành tinh' ngốn hơn 3,4 tỷ đồng mỗi mét

Con đường 'đắt nhất hành tinh' ngốn hơn 3,4 tỷ đồng mỗi mét
TPO - Chiều 9/1, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội đã thông tin về Dự án xây dựng đường vành đai 1 Hà Nội, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, có tổng mức đầu tư lên đến 7.779 tỷ đồng.

Ông Vũ Hà - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuyến đường, có chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang rộng 50m, diện tích khoảng 153.341 m2 (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh).

Dự án cũng đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan bao gồm vỉa hè phía Nam đường Đê La Thành tại phần dải đất giữa đường vành đai 1 và đường Đê La Thành đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ với diện tích khoảng 6.083 m2.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.779 tỷ đồng, trong đó tiền xây lắp chỉ 785 tỷ đồng, tiền giải phóng mặt bằng hơn 6.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư mỗi mét chiều dài tuyến đường Hoàng Cầu – Voi Phục lên đến hơn 3,4 tỷ đồng.

Tổng số hộ dân thuộc diện GPMB khoảng 2.328 hộ, trong đó, quận Đống Đa có 808 hộ; quận Ba Đình có 1.520 hộ. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2020.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục nhằm hoàn thiện đồng bộ tuyến đường vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy theo quy hoạch, kết nối giữa các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng, tăng diện tích đường giao thông, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên mạng lưới và trong khu vực đô thị trung tâm của TP Hà Nội. Ông Vũ Hà khẳng định, dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội cho biết, có thể nói Chủ đầu tư rất phấn khởi nhưng cũng lo lắng. Phấn khởi bởi thời gian dài chuẩn bị con đường này, từ khi làm nút Kim Liên – Ô Chợ Dừa, đoạn đường ngắn nhưng có tới 3 dự án. Thành phố quyết định có thể thi công nhưng lúc phê duyệt từng đoạn một. Thời gian kéo dài, thống kê tới cả chục năm. Lãnh đạo TP đã quyết tâm tập trung nguồn lực để làm nốt tuyến đường này.

Theo ông Bảo, tổng số các hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 2.328 hộ (trong đó địa bàn quận Đống Đa là 808 hộ, quận Ba Đình là 1.520 hộ) và cần tái định cư khoảng 2.239 căn nhà. "Đến nay, nhà tái định cư đã được Sở Xây dựng bố trí từ 5 dự án: Nhà 30T1-30T2 A14 Khu đô thị Nam Trung Yên: 672 căn; khu nhà ở tái định cư tại phường Trung Hòa: 150 căn; Dự án tổ hợp nhà ở - trung tâm thương mại - siêu thị và văn phòng gần Big C (quận Cầu Giấy): 201 căn; Dự án xây dựng nhà CT3-CT4 Xuân La (quận Tây Hồ): 960 căn; Dự án khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an: 388 căn. Người dân có sự lựa chọn, những nhà chúng tôi xây đều được kiểm tra đảm bảo chất lượng.

Về nhà siêu mỏng, siêu méo, chúng tôi đã thống kê: quận Đống Đa có 22 nhà sau làm xong bị cắt xén không đủ điều kiện tồn tại, quận Ba Đình dưới 122 cái. Trong dự án đã tính đến tiền hợp khối cho những mảnh đất này.

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong nhiều năm qua kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội được Chính phủ, Thành phố rất quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa khép kín được các đường Vành đai. Nên một trong những nhiệm vụ của TP Hà Nội là triển khai đồng bộ hệ thống giao thông, từ đó sẽ giải được bài toán ùn tắc giao thông. Với cách chỉ đạo của UBND TP, với kinh nghiệm triển khai đường Vành đai 3 vừa rồi, tiến độ có thể hoàn thành trong năm 2020. Cơ bản các đường vành đai 1, 2, 3 đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành.

Ông Viện cho biết thêm, có ý kiến phản đối GPMB cũng là chuyện đương nhiên, chuyện thu hồi đất GPMB dự án nào cũng có, sẽ có ảnh hưởng đến một bộ phận vì lợi ích chung. UBND TP đã có những chính sách tốt nhất cho người dân trong GPMB. Không có lợi ích cá nhân nào ở đây, tuyến đường được thực hiện sẽ mang lại lợi ích cho thành phố, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội chung của thành phố”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay.

Đầu năm 2014, Hà Nội đã thông xe đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu sau 5 năm khởi công xây dựng. Tuyến đường này chỉ dài hơn 500 m nhưng tổng mức đầu tư lên đến hơn 700 tỷ đồng. Năm 2010, Hà Nội cũng cho thông xe đường vành đai I, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa có chiều dài 550 m với tổng mức đầu tư 642 tỷ đồng và được coi là “đắt nhất hành tinh”. Tính trung bình mỗi mét chiều dài tuyến đường này tốn hơn 1 tỷ đồng.

Như vậy, tổng mức đầu tư tuyến đường “đắt nhất hành tinh” cao dần qua các năm.  Như đoạn đường Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ có mức đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng (thời điểm năm 2015) mỗi mét chiều dài; còn tuyến đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa khoảng 1,1 đồng; tuyến đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu khoảng 1,4 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.