Quyết định 37 của Thủ tướng năm đầu tiên đi vào cuộc sống, quả thật không tránh khỏi những lúng túng, những băn khoăn và thậm chí có cả những hoài nghi về chuyện cầm cân nảy mực trong việc phong hàm cho các nhà khoa học.
Ở các nước tiên tiến, GS, PGS không phải được công nhận mà là bổ nhiệm. Các trường ĐH sẽ tuyển các ứng viên, sau đó qua quá trình sàng lọc, ứng viên nào đủ điều kiện sẽ được bổ nhiệm vào một vị trí GS trong viện nghiên cứu nào đó. Do đó, GS, PGS của các nước là do các trường công nhận, danh tiếng của GS sẽ gắn với danh tiếng của một trường ĐH.
Thế nên GS ĐH Harvard, ĐH Yale hay ĐH Chicago (như GS Ngô Bảo Châu) sẽ khác với GS ở một trường ĐH nào đó. Sự công khai, minh bạch và có sự cạnh tranh nên việc bổ nhiệm GS ở các trường ĐH nước ngoài rất ít khi vướng lùm xùm, kiện tụng.
Câu chuyện GS, PGS ở Việt Nam lại hoàn toàn không như vậy. Đó là một chức danh, gắn với quyền lợi suốt đời. Từ lúc được công nhận đến hết đời, họ luôn là GS, PGS. Và chuyện xét, công nhận là chuyện của Nhà nước mà cụ thể ở đây là Hội đồng Giáo sư Nhà nước (GSNN). Còn bổ nhiệm là chuyện của các trường ĐH. Vì có vai trò rất lớn nên Hội đồng GS các cấp luôn có một quyền lực vô hình.
Hội đồng GSNN đã thừa nhận Quyết định 37 có những điểm mờ và đã gây xôn xao dư luận vừa qua. Cùng với đó là cách giải quyết của Hội đồng GSNN chưa thực sự ổn thỏa nên những nhà khoa học trẻ, đặc biệt là những người có nhiều bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí nổi tiếng quốc tế nhưng vẫn trượt cảm thấy ấm ức, không phục. Sự ấm ức của họ không phải không có lý.
Theo lý giải của Hội đồng GSNN, vì muốn nâng cao chất lượng ứng viên, nên Hội đồng đã chọn tiêu chuẩn “cận trên” để xét. Những tiêu chuẩn cứng như không được thiếu giờ giảng trực tiếp ba năm cuối liên tiếp, phải có hướng dẫn nghiên cứu sinh hoặc thạc sĩ thành công... Những nhà khoa học trẻ vì thiếu một trong những tiêu chuẩn cứng này nhưng thành tích khoa học rất cao vẫn bị loại.
Còn những người điều kiện nào cũng đủ, nhưng lại chỉ có 1, 2 bài báo quốc tế “tầm tầm”, không thuộc danh mục ISI, Scopus (hệ thống các tạp chí nổi tiếng thế giới), hay thậm chí chỉ có 1 bài đăng trên kỷ yếu seminar thì vẫn đạt chuẩn. Vậy có hay không sự dễ dãi ở một số hội đồng ngành, hội đồng cơ sở và ngay cả tại Hội đồng GSNN?
Khoa học luôn luôn không có biên giới. Nếu cứ vin vào đặc thù thì sẽ rất khó hội nhập. Quyết định 37 tuy đã “siết” chặt hơn, yêu cầu có bài báo quốc tế nhưng đăng ở đâu, hay chất lượng như thế nào là do tùy từng hội đồng ngành tự quy ước. Hội đồng GSNN chỉ có một số gợi ý, hướng dẫn.
Một GS, PGS, nhiệm vụ chính của họ vẫn là giảng dạy, truyền thụ tri thức cho sinh viên, tạo dựng một thế hệ kế cận. Nhưng không vì thế mà họ không cần hội nhập quốc tế. GS,PGS cần phải đi bằng hai chân: nghiên cứu và giảng dạy.
Nếu những năm sau, Hội đồng GSNN không có sự hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, minh bạch và công tâm thì chắc chắn sân chơi này sẽ vẫn còn nhiều chuyện để bàn. Đó là chưa kể, cho đến giờ, Hội đồng GSNN vẫn chưa công khai lý lịch khoa học của chính thành viên các hội đồng GS ngành, liên ngành.