“Con đĩ đánh bồng” đánh thức xuân xưa

“Con đĩ đánh bồng” đánh thức xuân xưa
TP - Xưa, mỗi khi hoa đào Nhật Tân, Quảng Bá nở rộ, Hà thành vào xuân là Con đĩ đánh bồng thức giấc, nhảy múa trong đám hội khiến cụ già tóc bạc đến trai, gái xuân sắc đều chộn rộn trong lòng. Nay điệu múa vẫn còn gọi xuân ở nhiều làng cổ đất Thăng Long.
“Con đĩ đánh bồng” đánh thức xuân xưa ảnh 1

Hội làng Triều Khúc. Ảnh: Lê Bích

Hẳn ai cũng giật mình. Các cụ vốn tế nhị, nói năng rào trước đón sau, sao lại đặt cho điệu múa cái tên bạo thế. “Đĩ” đáng nhẽ phải kiêng giữa hội làng đông vui? Tuy nhiên tìm hiểu cho kỹ thì có khi cười chảy nước mắt mà phục sự hóm hỉnh của người xưa. Vì sự thật là, trong điệu múa này, không có nữ mà chỉ có đám trai tráng đóng giả!

Làng Triều Khúc hiện vẫn giữ nhiều nét văn hóa làng xã đặc trưng vùng ven Thăng Long xưa. Làng thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người từng chọn nơi đây luyện binh mã, giao chiến với tướng giặc Đào Chính Bình thời Đường.

Sới vật nằm trên đảo giữa ao trước đình làng là nơi thể hiện tinh thần thượng võ và hàm ơn vị anh hùng dân tộc - dù không là người làng nhưng được dân tôn làm thành hoàng.

Hằng năm từ 9 đến 12 tháng Giêng, làng mở hội. Hội có rước sắc vua ban và rước kiệu, tắm kiệu để tỏ lòng thành kính đức thành hoàng. Bên cạnh phần nghi lễ trang trọng là phần hội với sới vật, cờ người, múa sênh tiền, chọi gà... Độc đáo nhất, khiến du khách nườm nượp đổ về chính là điệu múa Con đĩ đánh bồng trong đám rước.

Triều Khúc xưa có các nghệ nhân múa giỏi như cụ Bùi Văn Sim ngoài 80 tuổi, các cụ gần 80 có cụ Bùi Văn Lục, Triệu Đình Vạn. Đáng ghi nhận nhất trong việc bảo tồn điệu múa cổ này ở Triều Khúc phải kể nghệ nhân ngoài 60 Triệu Đình Hồng - phụ trách đội múa.

Mà lạ một điều, điệu múa chỉ thấy ở những làng cổ Thăng Long và vùng lân cận, tất cả đều thuộc Hà Nội (cũ). Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội coi Con đĩ đánh bồng là một trong mười điệu múa cổ vô giá của Thủ đô. Hiện di sản phi vật thể này đã thức giấc trong hội xuân ở các làng cổ Đồng Nhân, Nhật Tân. Ngoài ra còn hiện hữu ở Quảng Bị, Đại Lộ... Nhiều làng cổ đang quyết tâm phục dựng.

Cụ ông Triệu Văn Phúc (82 tuổi) ở làng cổ Hào Nam cho biết: “Xưa tất cả các làng cùng tổng với Hào Nam đều múa Con đĩ đánh bồng. Ngày tôi 9 tuổi đã được xem các cụ làng Láng múa, đẹp lắm. Các cụ giả gái rất tài, giống tới nỗi đi đâu mọi người cũng bám theo xem gái thật hay giả”. Cụ Phúc kể ở Hào Nam gần đây còn cụ Nguyễn Văn Sơn múa đẹp, nhưng cụ đã mất bảy, tám năm nay.

Đừng ngại!

“Con đĩ đánh bồng” đánh thức xuân xưa ảnh 2
Ảnh: Lê Bích

Chả biết có phải do cái tên quá ấn tượng mà ở nơi điệu múa đã thức giấc như Nhật Tân, Đồng Nhân, Triều Khúc..., chỉ Triều Khúc giữ nguyên tên, còn lại đã “tế nhị” cắt “con đĩ” chỉ dám gọi Trống bồng. Thật đáng tiếc vì cái tên Con đĩ đánh bồng mới đặc chất dân gian. Từ “đĩ” là cách gọi yêu, nào có hàm ý dung tục như có người lầm tưởng.

Múa Con đĩ đánh bồng mặt phải tươi. Thường có bốn nam thanh niên giả nữ giới vận áo tứ thân, váy đụp đen, đeo bông tai, chít khăn mỏ quạ, má phấn môi son, mỗi người đeo một cái trống trước ngực.

Trống bồng giống nhưng nhỏ hơn trống cơm, sơn màu đỏ. Trống chỉ là đạo cụ, không đánh thành tiếng. Nhạc đệm gồm trống, thanh la và chiêng. Hai đôi khi múa thể hiện phong thái vừa phóng khoáng vừa dứt khoát, mạnh mẽ lại mềm mại; khoa rộng tay, nhấc chân cao, bước rộng, dáng hơi khệnh khạng, đảo người linh hoạt.

Khi múa có lúc xoay tròn, có lúc dựa lưng hay úp mặt và ngực vào nhau, thú vị và hóm hỉnh. Nhìn động tác không quá phức tạp nhưng để múa ra múa, không hề đơn giản.

Mừng vì Con đĩ đánh bồng thức giấc ngày càng nhiều ở các làng cổ, nhưng thức sao cho đúng tinh thần người xưa để lại cũng đáng bàn lắm. Từ khi điệu múa thức giấc ở Nhật Tân, làng bèn để nữ giới thể hiện. Nhiều làng cổ cho rằng, sở dĩ có sự “tréo ngoe” nam giả nữ bởi xưa kia phụ nữ không được tham gia nghi lễ trong đình. Nên dù con gái múa mềm mại hơn nhưng vẫn không đến phần. Nay phải khác.

Đúng là việc chọn nam giới múa Con đĩ đánh bồng có thể một phần vì quan niệm ấy nhưng ở đây thực ra có một ẩn ý độc đáo. Nếu ngắm và ngẫm thật kỹ sẽ thấy dù khoác bộ dạng phụ nữ, những động tác của điệu múa lại toát lên phong thái của đấng nam nhi - ở góc độ nào đó còn cảm nhận được tinh thần thượng võ. Phụ nữ khó thể hiện cho ra tính cách ấy.

Thứ nữa, trong ngày hội, nhất là trong đám rước với kiệu gỗ, cờ, lọng, phướn... cao vút trời đi trên đoạn đường dài và thực hiện những nghi lễ nghiêm túc khiến ai nấy căng như dây đàn, thì một đám nam giới giả đàn bà má phấn môi son mắt liếc mày ngài nhảy múa tung tăng sẽ tạo tiếng cười sảng khoái. Việc nam giả nữ là nét độc đáo nhất của Con đĩ đánh bồng, không nên tước bỏ đi.

Sẽ thật thú vị nếu đúng đại lễ nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, Con đĩ đánh bồng là một trong những đại diện cho đặc sản văn hóa Hà Nội khoe sắc cùng văn hóa trăm miền, có mặt trong đoàn rước tung tăng khắp ba sáu phố phường Hà thành và cả ở khu vực dâng hương chính lễ.

Tương truyền, xưa kia trong binh ngũ, để giúp binh lính hăng say luyện tập, trong giờ giải lao, các cụ đã nghĩ ra trò hát Trống quân đối đáp nam nữ. Nhưng binh ngũ lấy đâu ra nữ giới? Giải pháp được chọn: Một đội nam và một đội nam giả nữ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.