Còn đây di tích danh nhân Phạm Đình Hổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Làng Đan Loan (xã Nhân Quyền, Bình Giang, Hải Dương) là quê hương của Phạm Đình Hổ, danh nhân văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ 19. Tại đây hiện còn mảnh đất cũ của danh nhân Phạm Đình Hổ, trên đó có lầu bình thơ, cách đó không xa là mộ của ông.

Dấu tích danh nhân

Đến nay, người dân làng Đan Loan vẫn tự hào vì dù cách đây đã ngót hai thế kỷ, nhưng những dấu tích của danh nhân Phạm Đình Hổ vẫn được lưu lại khá đậm nét tại quê hương ông. Trò chuyện với phóng viên, ông Phạm Đình Phúc, ngoại 70 tuổi, chắt đời thứ 5 của danh nhân Phạm Đình Hổ tự hào cho biết, mảnh đất gia đình ông đang ở này trước đây là nơi danh nhân Phạm Đình Hổ từng sinh sống. Trải qua nhiều đời, con cháu danh nhân vẫn sống kế thừa trên mảnh đất này. “Trong khuôn viên nhà vẫn còn lầu bình thơ của cụ Hổ. Sau khi cụ mất, mộ được lập cách nhà không xa”- ông Phúc cho hay.

Còn đây di tích danh nhân Phạm Đình Hổ ảnh 1

Lăng mộ danh nhân Phạm Đình Hổ. Ảnh: P.V

Lầu bình thơ hiện nằm phía trong khu đất, cạnh một ao rộng. Ông Phạm Đình Phúc cho biết, trước đây lầu bình thơ của danh nhân Phạm Đình Hổ từng bị đổ, sau đó được trùng tu, phục dựng nên cơ bản giữ được hình dáng cũ. Lầu bình thơ được xây dựng có đế hình vuông, thoáng ba mặt có thể trông ra ba hướng đông, tây và bắc. Mặt chính quay ra hướng bắc. Mái lầu hình chóp, đao cong vút, trên đỉnh có đắp hình nậm rượu. Được biết, sở dĩ có hình nậm rượu này là để tượng trưng cho chuyện đây là nơi danh nhân thường uống rượu, bình thơ với bạn bè. Phía trong lầu bình thơ xây một bệ thờ cao gần một mét, trên bệ đặt ba bát hương. Ngoài con đường nhỏ ra lầu, xung quanh là ao thả cá, tạo nên khung cảnh thơ mộng. Trước lầu là một sân rộng, thuận tiện cho việc đi lại và thưởng ngoạn cảnh nơi đây.

Ngoài hai tác phẩm kể trên, danh nhân Phạm Đình Hổ còn có những cuốn sách nổi bật khác, như về văn thơ có “Tang thương ngẫu lục (viết chung với Nguyễn Án), “Đông dã học ngôn thi tập”; lịch sử, địa lý có “An Nam chí”, “Tiền lệ Nam Việt bản đồ mô bản”; triết học có “Hy kinh trắc lãi”…

Cách lầu bình thơ chừng nửa cây số là mộ của danh nhân Phạm Đình Hổ. Đây thuộc khu có tên là Mả Duồng. Mộ danh nhân nằm phía đông của nghĩa địa, trước được đắp bằng đất, sau được con cháu xây lại bằng gạch, trên đó gắn bia đá ghi dòng chữ Hán, được dịch là “Tế tửu Quốc tử giám Phạm Đình Hổ chi mộ, năm sinh 1768, năm mất 1839”. Năm 1993, Bảo tàng tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương) lập bản vẽ thiết kế khu mộ này cho tương xứng với tầm vóc của danh nhân. Năm 2005, khu mộ được tôn tạo khang trang trên diện tích khoảng 16 m2, được đề “Lăng mộ danh nhân Phạm Đình Hổ”.

Một “mãnh hổ” trong nhiều lĩnh vực

Để lưu được những dấu tích của danh nhân Phạm Đình Hổ như hiện nay, ngoài việc gìn giữ của dòng tộc danh nhân, còn có sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Anh Nguyễn Văn Lợi, công chức văn hóa-xã hội xã Nhân Quyền cho biết, năm 1997, để những dấu tích trên được nâng lên tầm di tích, Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Hải Dương và Bảo tàng Hải Dương đã nghiên cứu tài liệu cùng những cứ liệu thực tế tại địa phương để lập “Lý lịch di tích danh nhân Phạm Đình Hổ”. Ngoài việc đề cập rõ tình trạng lầu bình thơ và mộ danh nhân Phạm Đình Hổ tại thời điểm đó, lý lịch cũng nêu những điểm căn bản nhất về cuộc đời và tác phẩm của danh nhân này. “Sau khi lý lịch trên được lập, năm 1999, lầu bình thơ và mộ danh nhân Phạm Đình Hổ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia”- anh Lợi cho biết.

Còn đây di tích danh nhân Phạm Đình Hổ ảnh 2

Danh nhân Phạm Đình Hổ

Có dịp đọc “Lý lịch di tích danh nhân Phạm Đình Hổ”, tôi phần nào hiểu được vì sao từng đi làm quan ở nhiều nơi, nhưng Phạm Đình Hổ vẫn luôn gắn bó với quê hương. Theo gia phả của dòng tộc danh nhân, họ Phạm đến định cư ở làng Đan Loan tới Phạm Đình Hổ là 11 đời. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, Phạm Đình Hổ từng học tại Quốc Tử Giám và thi đậu sinh đồ (tú tài). Nhưng thời thế bấy giờ không yên, suốt một thời gian dài ông về quê và đi dạy học ở nhiều nơi, sau đó thi nhiều lần nhưng không đỗ cao hơn. Năm 1821, biết Phạm Đình Hổ học rộng hiểu nhiều, vua Minh Mạng cử ông làm Hành tẩu Hàn lâm viện, một chức vụ quan trọng thời bấy giờ. Nhưng nhậm chức một thời gian, Phạm Đình Hổ xin nghỉ để về quê. Năm 1826, vua Minh Mạng lại triệu Phạm Đình Hổ vào Huế để giữ chức Thừa chỉ Viện Hàn lâm, rồi thăng tiến lên chức Tế tửu (người đứng đầu) Quốc Tử Giám. Thời ấy, Quốc Tử Giám là trường đại học mở ra chỉ dành riêng cho con vua và con các nhà quyền quý. Giảng dạy ở trường này phải là những người đỗ đại khoa. Vậy mà Phạm Đình Hổ, một thầy đồ chỉ đỗ tú tài lại được cất nhắc làm tế tửu Quốc Tử Giám, trở thành trường hợp duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Trong cuộc đời học hành và làm quan, Phạm Đình Hổ coi nhẹ lối học thuộc lòng kiểu “tầm chương trích cú”, bởi dễ triệt đi tính sáng tạo. Có lẽ do không chấp nhận kiểu làm bài theo lối giáo điều, thuộc lòng mà khi đi thi Phạm Đình Hổ không đỗ đạt cao. Cũng vì có quan niệm về học thuật như thế nên khi làm Tế tửu Quốc Tử Giám, Phạm Đình Hổ cũng không hứng thú với việc làm văn theo lối thuộc lòng. Nhưng những ý tưởng về cải cách giáo dục và khoa cử thời đó của Phạm Đình Hổ chưa có điều kiện để phát triển. Năm 1832, một lần nữa ông từ quan về quê và mất 7 năm sau đó.

Trong quá trình làm quan và sống tại quê nhà, Phạm Đình Hổ thường dành nhiều thời gian cho việc sáng tác và biên soạn sách. Ông để lại cho đời sau nhiều công trình khảo cứu về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, văn thơ có giá trị lớn. Trong đó, nổi bật có tác phẩm “Vũ trung tùy bút” là đại diện cho mảng văn xuôi giàu tính hiện thực khắc họa chế độ phong kiến của nước ta thế kỷ 18, 19. Còn cuốn “Kiền khôn nhất lãm” là một chuyên thư về địa lý Việt Nam, trong đó có bản đồ kinh thành Thăng Long và bản đồ 13 phủ lỵ của cả nước.

Danh nhân Phạm Đình Hổ tuổi Tý, nhưng cốt cách của ông dường như gần hơn với linh vật hổ, ứng với tên của ông. Danh nhân còn là một nhà văn hóa đa ngành, có thể ví như một “mãnh hổ” ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm giá trị, trong đó cuốn “Vũ trung tùy bút” được giảng dạy trong trường phổ thông.Việc đến nay còn lưu lại được di tích của danh nhân Phạm Đình Hổ để qua đó góp phần hiểu biết thêm về ông là điều thật đáng quý.

MỚI - NÓNG