Cơn cớ nào khiến Việt Nam mất hơn nghìn tỷ đồng nhập ngô?

Nhiều nông dân vẫn thờ ơ với cây ngô vì mang lại hiệu quả thấp
Nhiều nông dân vẫn thờ ơ với cây ngô vì mang lại hiệu quả thấp
TP - Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, đứng thứ 2 thế giới nhưng phải nhập tới hơn 2 triệu tấn ngô. Vì sao vậy và làm cách nào để nông dân mặn mà với ngô, đây là bài toán ngành nông nghiệp cần tháo gỡ.

Ngô chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi

Là đất nước đang trong xu hướng phát triển chăn nuôi công nghệ cao, trong thời điểm hiện nay, nhu cầu ngô hạt cần cho công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và chế biến khác ở Việt Nam đang ngày một tăng mạnh. Ứng với nhu cầu đó, diện tích ngô toàn quốc cũng tăng liên tục (Cụ thể trong 10 năm trở lại đây, tăng 166 nghìn ha), chủ yếu tại vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Tuy vậy, năng suất trung bình ngô toàn quốc vẫn ở mức thấp 44,5 tạ/ha, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Phó GĐ Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc Lê Văn Dũng cho biết, thời tiết ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển cây ngô trên địa bàn tỉnh. Trời nóng thì sâu đục thân nhiều, mưa ẩm thì mốc.

“Trồng ngô nặng nhọc, đòi hỏi đầu tư phân đạm nhiều, vì thế mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ giống nhưng dân vẫn bỏ ngô nhiều”, ông Dũng nói. Năm 2013, diện tích đất trồng ngô trên địa bàn Vĩnh Phúc giảm còn 11.000 ha.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho hay, Hà Nội hiện có 25.000 ha trồng ngô. Diện tích ngô giảm xuống do trồng ngô hiệu quả không cao. Trồng ngô đầu tư tới 70- 80 nghìn đồng/kg giống ngô lai, rủi ro lớn nên người nông dân không muốn làm.

Ông Nguyễn Tường Linh - Cty C.P Việt Nam cho biết, Cty đã có những hỗ trợ cho nông dân bằng cách đặt mua ngô giá cao hơn giá ngô nhập để khuyến khích nông dân tập trung vào ngô, tăng chất lượng, năng suất. Tuy nhiên sản lượng ngô vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi. “Cty hiện vẫn đang phải nhập khẩu 40-50% ngô để bù đắp số thiếu hụt này”, ông Linh nói.

Để nhà nông sống được với ngô

Theo đại diện Cty C.P, ngô Việt Nam chỉ đạt loại 3, 4, 5, còn ngô nhập khẩu thường đạt loại 1, 2, bởi ít tạp chất, ít nấm mốc, độ đồng đều cao. Vì vậy, ngoài tăng diện tích, tăng năng suất cần tăng chất lượng để có hiệu quả kinh tế tốt hơn.

Bài toán này cũng được Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt ra là làm sao vừa phát triển trồng ngô đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước vừa đảm bảo tiêu chí tăng thu nhập của người nông dân. Diện tích trồng ngô tăng, nhưng là tăng ở vùng Trung du miền núi phía Bắc, như tại Sơn La - nơi không trồng ngô, người dân cũng không thể trồng được gì khi lúa nương, sắn không hiệu quả.

Trồng ngô manh mún, tự phát khiến năng suất, chất lượng ngô giảm, không đảm bảo phát triển ngô lâu dài tại các vùng này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Cục Trồng trọt, Viện nghiên cứu ngô đẩy mạnh phát triển giống ngô lai, nhưng biện pháp mấu chốt để chuyển đổi hiệu quả chính là khoa học kỹ thuật.

Cần đưa cho người dân một gói kỹ thuật đồng bộ, có thể chuyển tiền hỗ trợ giống sang hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân. Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì lập một hội đồng khoa học cùng với các doanh nghiệp có hội thảo chuyên đề để đưa ra gói kỹ thuật cho từng khu vực.

Về chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện tại Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách cho vùng đồng bằng sông Cửu Long 2 triệu đồng cho mỗi héc ta chuyển từ lúa sang trồng ngô.

“Chính sách quan trọng nhưng phải đúng và trúng vấn đề của người nông dân. Muốn làm việc gì cũng phải có quyết tâm, chỉ đạo sâu sát, hướng dẫn dân làm gì có lợi hơn, mục tiêu cuối cùng là tăng nhu nhập cho người nông dân”, ông Phát nhấn mạnh.

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định cho rằng, chuyển đổi từ cây trồng khác sang ngô ở miền Bắc có hạn chế hơn ở đồng bằng sông Cửu Long bởi quy mô sản xuất nhỏ, không có cường độ ánh sáng dồi dào. Do vậy, cơ hội chuyển đổi ở miền Bắc là trên những chân đất cao và đất bãi.


Vì vậy phải xem xét, đánh giá lại thực trạng sản xuất ngô những năm qua và định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

“Tuy nhiên, không phải là sản xuất ngô bằng mọi giá mà phải làm thế nào để người nông dân sản xuất ngô có thu nhập cao hơn các cây trồng khác”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói tại Hội nghị Phát triển sản xuất ngô gắn liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng các tỉnh phía Bắc.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".