Để rồi đó là dịp cho "những đứa trẻ đã già" chúng ta cung cấp cho nhau những đáp số về đời mình sau hơn nửa đời người nhìn lại. Gia đình, con cái, tiền bạc, địa vị, danh tiếng... Những đáp số trái ngược nhau, nhiều khi thật ác nghiệt, khiến nhiều bạn cũ chỉ một lần “trồi lên” rồi lại vĩnh viễn mất tăm!
Tôi nhìn vào những cậu thanh niên tuấn tú mặc đồ vệ sĩ bảo vệ trước cửa công ty, gặp những cô bé bán hàng siêu thị, bán cà phê, quán nhậu lanh lợi, hiền lành, gặp những công nhân khu công nghiệp… Những người lao động cần mẫn làm công việc đơn thuần ngày này qua năm nọ gặp ở ngoài đường, phố chợ. Và nghĩ về thời đi học của họ. Chắc cũng đều đều khá giỏi, ngoan ngoãn vâng lời, và chắc cũng đã qua đại học (một thứ gần như phổ cập bây giờ).
Tôi không hề có ý so sánh nghề này nghề kia. Càng không coi trọng cái gọi là "thành đạt" thói thường theo kiểu chức tước, tiền của. Mà với quan sát này, chỉ cứ thấy nhói lên một điều gì đó thật khó cắt nghĩa. Khi nghĩ về quãng thời gian 12 năm, thậm chí 16, 17 năm trời gồng mình đèn sách của mỗi chúng ta. Bị nhồi nhét đủ thứ, hàng trăm kỳ thi, nghĩ lại thấy rùng mình. Để khi ra đời, rất nhiều người trong chúng ta phải làm những công việc chưa bao giờ hình dung, chưa bao giờ chuẩn bị. Và cay đắng tìm cách giấu biệt hoặc vứt bỏ tấm bằng cử nhân để xin một suất công nhân nơi xưởng máy, một chân bán hàng. Làm những việc chưa bao giờ được đào tạo.
Và nữa, tôi quan sát để tự hỏi, họ có vui không, có thấy mình thành công không? "Thành công" ở đây được hiểu theo nghĩa được làm công việc phù hợp, và thực sự yêu thích, luôn đem lại hứng khởi và mới mẻ. Để theo đuổi đến cùng.
Chúng ta đang đào tạo "thế hệ điểm 10", thế hệ trường chuyên lớp chọn, thế hệ của vô vàn những cuộc thi và giải thưởng, vô vàn danh hiệu vang rền. Nhưng con cái chúng ta - chúng có vui không? Có được nghĩ, học và làm những gì mình thích, bằng suy nghĩ và nội lực của mình không? Có được nói ra những quan điểm của mình không, và nói ra có được cha mẹ, thầy cô lắng nghe không? Hay cam chịu làm những cỗ máy cứ chạy và chạy theo quán tính, khước từ và bỏ quên cá tính/ước muốn riêng mình?
Con cái chúng ta đến trường suốt mười mấy năm trời, được học đủ thứ trên đời, mà sao chỉ một kỹ năng bơi lội để giữ chính mạng sống cho mình, học chỉ trong mấy buổi cũng không được dạy? Để chúng mỗi ngày cứ chết và chết giữa dòng nước trước mắt chúng ta. Những đôi mắt trẻ thơ oan ức không thể nào khép lại, như những câu hỏi, như lời buộc tội. Chúng ta, nhà trường, và xã hội này đã làm gì đời chúng?
Một mùa thi cử nữa lại đến, xốn xang tâm trạng. Những đứa con của chúng ta!