Mỗi năm có khoảng gần 5.000 trẻ em bị bạo lực
Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), những năm gần đây, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng gần 5.000 trẻ em bị bạo lực.
Điểm lại trên báo chí, riêng từ đầu năm đến giờ đã có hàng chục vụ bạo hành trẻ em gây chấn động dư luận. Điển hình: ngày 5/2, tài khoản Facebook Thanh Le đăng clip dài hơn hai phút cảnh cô giáo mầm non dùng dép đánh vào đầu học sinh liên tục. Cũng trong clip này, nhiều hành động bạo lực khác của cô giáo được ghi lại: ép trẻ ăn bằng vũ lực, trừng phạt trẻ bằng cách đe dọa, đánh, tát.
Clip hai bảo mẫu bạo hành trẻ ở phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM cũng gây hoang mang dư luận hồi tháng 3. Sau đó, các nạn nhân được Sở GD&ĐT tạo TP.HCM hỗ trợ chuyển sang trường công lập để có chỗ học đảm bảo.
Ngày 4/8, bé trai một tuổi trong tình trạng hôn mê, co giật, bầm tím toàn thân, phần đầu, chân, lưng, bụng, cổ và bộ phận sinh dục bị xây xước, đồng tử mắt bị giãn được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Sau đó, bệnh nhi được chuyển tới bệnh viện Xanh Pôn, rồi đưa sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bác sĩ xác định não của bé trai bị tổn thương. Cơ quan Hà Nội đã khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” để điều tra làm rõ nguyên nhân cháu bé bị hành hung dẫn đến chấn thương sọ não.
Tại Hội thảo “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” (EVAC) tại Hà Nội hồi tháng 1, các số liệu ghi nhận: ở Việt Nam, gần 74% trẻ em từ 2-14 tuổi bị cha mẹ, người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.
Một số người tỏ ra hoang mang khi nhìn số liệu thống kê số trẻ em bị bạo lực có xu hướng gia tăng. Một số khác cho rằng: tất cả các con số thống kê mà chúng ta nhìn thấy qua các báo cáo thực chất chỉ là bề nổi của tảng băng. Còn rất nhiều ca bạo lực trẻ em mà người ta không tổng kết được.
Nhỏ con ở với giúp việc, lớn con làm bạn với iphone
Tiến sĩ Lê Đức Hiển (ĐH Missouri, Mỹ) cho biết: “Trong một hội thảo về nuôi dạy trẻ từ 0-2 tuổi tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 6, 27/30 người được anh khảo sát có con trong độ tuổi này trả lời rằng: họ thuê người giúp việc trông con dựa trên hai tiêu chí: thật thà và chăm chỉ”. Theo anh Hiệp, đây là lựa chọn sai cơ bản bởi (anh nhấn mạnh): chúng ta thuê người giúp việc để chăm sóc trẻ con, vậy thì đáng lý tiêu chí quan trọng nhất phải là người đó yêu trẻ và khỏe mạnh (không có bệnh truyền nhiễm). Nhà văn Châu Diên (chủ biên bộ sách “Cánh Buồm” cho học sinh tiểu học) cũng đồng ý quan điểm này. Ông nói: khi chọn giáo viên để đào tạo dạy chương trình “Cánh Buồm”, phẩm chất duy nhất ông yêu cầu ở họ là lòng yêu trẻ. Kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng sư phạm đều có thể đào tạo. Chỉ riêng lòng yêu mến với trẻ con là thứ thuộc về bản năng, và một người thầy (người giúp việc) yêu trẻ, vậy ít nhất cũng sẽ không bao giờ xảy ra nạn bạo hành.
Cũng theo Tiến sĩ Hiển, trong số 30 người anh phỏng vấn ngẫu nhiên, trung bình mỗi ngày họ dành thời gian cho con từ 1-3 tiếng, trong đó số dành một tiếng chiếm hơn phân nửa. “Chính bố mẹ đẻ đã không xác định được tầm quan trọng của việc tự tay chăm sóc, chơi và dạy con. Họ phó thác hầu hết thời gian dạy dỗ, chăm sóc con cái cho người giúp việc không hề có bất kỳ kỹ năng chăm sóc hay sư phạm nào. Con lớn chút, họ đưa cho chúng cái iphone. Khi có chuyện lại đổ hết lỗi cho người giúp việc không có tâm”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Tâm (ĐH Nam Kinh, Trung Quốc) cũng phản đối những ý kiến “lỗi hoàn toàn thuộc về người giúp việc”, chị cho biết: “Phòng khám tâm lý của chúng tôi thường xuyên gặp những khách hàng nhí nói tiếng Thanh Hóa hoặc Hà Tây trong khi bố mẹ đều là người Hà Nội, nói giọng chuẩn. Đa số các cháu có thời gian ở với người giúp việc nhiều hơn với bố mẹ. Có người mẹ không biết một ngày con ăn mấy bữa, đi ngủ mấy cữ. Nhiều lúc chúng tôi hay nói đùa với nhau, người giàu thành phố đang quay trở lại thời kỳ phong kiến ở Trung Quốc, khi hoàn toàn giao con cho vú nuôi chăm sóc. Đáng ngại nhất là đại đa số các “vú nuôi” này không có kiến thức nuôi dạy trẻ, chưa kể nếu họ phải làm việc này vì bắt buộc, bị chủ nhà đối xử hà khắc, vậy quả đắng đứa trẻ phải gánh chịu là điều có thể đoán trước”.
Chỉ cần mẹ để ý nhiều hơn
Đối với một giải pháp tương đối để có thể giảm thiểu nạn bạo hành với trẻ con từ người chăm sóc, nuôi dạy, tiến sĩ Lê Đức Hiển kết luận: “Chỉ cần mẹ để ý con nhiều hơn là đủ. Mẹ để ý sẽ biết cách tìm một người giúp việc, một trường học tin cậy cho con. Ở Mỹ, khi tuyển người trông trẻ bố mẹ đều phải gặp gỡ trước để phỏng vấn, kiểm tra xem người đó có kinh nghiệm và kỹ năng tốt không, có biết cách chơi với trẻ không, có yêu trẻ không, có sạch sẽ không, có bệnh truyền nhiễm không... Ở Việt Nam chưa có những trung tâm chuyên đào tạo người trông trẻ, nên các mẹ trước hết phải quan sát xem họ có yêu trẻ con, có kiên nhẫn không. Một người giúp việc lương năm triệu một tháng không thể yêu cầu họ là robot vạn năng: vừa chu toàn việc nhà, vừa chăm em bé, vừa không cho đứa lớn xem ti vi. Với trường học cũng vậy, trước khi gửi con, mẹ phải đến trường cho con chơi làm quen, quan sát cách cô giáo chăm sóc các em bé khác.
Một cô giáo có xu hướng bạo lực và nóng nảy sẽ lộ ra ngay chỉ với vài hành động nhỏ. Thêm nữa, việc trò chuyện, lắng nghe, quan sát con mỗi ngày sẽ giúp mẹ phát hiện ra con thích hay sợ hãi cô giáo. Bản năng nhận biết yêu thương của trẻ em rất mạnh: nó có xu hướng thân thiết, tin cậy với những người thực sự yêu thương nó. Những đối tượng hay trêu đùa, đe dọa, mắng… sẽ không bao giờ nhận được sự thân thiện của trẻ con. Tôi đã quan sát, có nhiều cô giáo rất nghiêm khắc nhưng trẻ không hề sợ hãi hay bài xích, là vì nó nhận thấy cô không có ác ý với nó. Đây là kiến thức bố mẹ nên biết và tận dụng trong việc tìm người chăm sóc con mình”.
Chị Nguyễn Thu Dung (hiện sống tại Nhật Bản) kể: “Bạn tôi sang đây chơi, thấy hai vợ chồng chăm con cứ kêu vất vả quá, vì không có người giúp việc. Tôi hiện không đi làm nên không thuê người là đương nhiên. Nhưng ở đây có nhiều bà mẹ phải đi làm công sở cũng không thuê người giúp việc. Ở Việt Nam, trẻ em đến trường sẽ có lao công và cô giáo giúp đỡ, về nhà có ông bà bố mẹ osin “hầu hạ”. Ở Nhật các bé phải tự làm công việc của mình như tự lấy phần ăn, làm sạch khay cơm sau khi ăn, dọn dẹp lớp học, nhà vệ sinh... từ mẫu giáo. Ngày nghỉ phải cho con đi chơi. Ngoài giờ học phải cho con ra ngoài trời rèn luyện khả năng thích nghi với thời tiết. Ngay cả khi nhiệt độ âm, trẻ em Nhật Bản vẫn được khuyến khích ra ngoài nghịch đất, xúc tuyết. Bạn tôi ở mấy ngày toàn kêu, nuôi con ở Nhật vất vả, mất thời gian quá!”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm kể: “Đa số các trường hợp đưa con bị sang chấn tâm lý do người chăm sóc bạo hành đến xin tư vấn, tôi đều yêu cầu bố mẹ cũng phải nghe tư vấn. Có những gia đình rất giàu có, sẵn sàng trả phí tư vấn gấp ba để tư vấn viên đến tận nhà, tôi cũng đều khuyên: quá trình chữa lành của trẻ sẽ nhanh gấp đôi, thậm chí gấp ba liên quan đến việc bố mẹ dành thời gian cho con nhiều bao nhiêu. Người Trung Quốc có câu: Con đường lâu không đi sẽ mọc đầy cỏ dại; tình cảm giữa người với người mà không vun trồng, bồi dưỡng thì lâu dần thành người dưng. Bố mẹ không dành thời gian cho con cái, con bị thiệt thòi không nói, mà ngay cả tình cảm ruột thịt cũng có thể nhạt nhẽo dần như thiếu sự gần gũi, giao tiếp, chăm sóc, yêu thương. Lịch sử Trung Quốc không thiếu các trường hợp coi bà vú là mẹ, coi mẹ đẻ là “phu nhân” cũng xuất phát từ tình trạng phó mặc này”.
“Chỉ cần mẹ để ý con nhiều hơn là đủ. Mẹ để ý sẽ biết cách tìm một người giúp việc, một trường học tin cậy cho con”.
TS Lê Đức Hiển