Còn ai trả nhà nữa không?

Còn ai trả nhà nữa không?
TP - Chiều qua, thông tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy xin trả lại ngôi nhà số 6 - Lý Thái Tổ và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý đã tạo được sự đồng tình của dư luận. Nó như tháo được “quả bom” dư luận thông tin dồn dập suốt nhiều ngày qua.

Hành động “xin trả nhà” của Thống đốc Lê Đức Thúy dù bắt buộc, nhưng cũng đáng được hoan nghênh, bởi ít nhất ông là người đầu tiên (trong số 3 quan chức được Tiền phong thông tin) đã vượt qua được cái không dễ vượt qua nhất của con người là lòng tham. 

Quan trọng hơn, nó tạo ra một tiền lệ để những người có ý định “đặc quyền, đặc lợi” coi đó là một bài học, tránh xa những gì không phải của mình. Bởi theo thống kê của Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) thì riêng ở Hà Nội, ngoài biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và 52 Tuệ Tĩnh, hiện còn 80 trường hợp khác đang ở biệt thự như ông Hoàng Văn Nghiên và ông Phan Văn Vượng. Liệu trong số những người đang sử dụng biệt thự công đó, có còn ai sẽ làm như ông Thúy?

Qua sự việc này, nổi lên một vấn đề lớn, đó là chính sách về nhà công vụ đối với cán bộ. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu mọi quan chức đều viện lý do để xin hóa giá biệt thự, thì Nhà nước sẽ tổn thất bao nhiêu tiền bạc. Rõ ràng, trong chính sách và pháp luật của Nhà nước lâu nay vẫn còn lỗ hổng lớn về việc quản lý nhà công vụ, biệt thự công.

Bởi thế, nhiều người khi được giao ở nhà công vụ, đã lợi dụng vào lỗ hổng ấy để biến nhà công thành nhà tư. Một quan chức tham nhũng vài chục triệu đồng bị khởi tố, bỏ tù nhưng một quan chức biến nhà công thành sở hữu riêng, bỏ túi một lúc hàng chục tỷ đồng thì lại không bị ai lên án. Từ đó, nó trở thành “thói quen” của nhiều người ở nhà công vụ.

Và nay, câu chuyện “nhà công vụ” đã được dư luận cảnh tỉnh. Nhưng nó chỉ có thể ngăn chặn được những người có ý định “biến của công thành của riêng”, khi mà có chính sách pháp luật cụ thể, minh bạch về vấn đề này.

Đó chính là những quy định về việc sử dụng nhà công vụ, những ai được ở nhà công vụ, khi thôi công vụ thì trả nhà ra sao, chính sách nhà ở cho những quan chức cao cấp thế nào…?

Khi nào chưa có những quy định đó, thì chuyện lập lờ công tư về nhà công vụ chưa thể giải quyết triệt để, đồng thời những người được Đảng, Nhà nước giao trọng trách cũng chưa thể yên tâm công tác. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.