Coi trọng tầm nhìn và chất lượng dự báo

Coi trọng tầm nhìn và chất lượng dự báo
Thông báo về kế hoạch phát triển KT- XH 2006-2010, trong buổi họp báo chiều 19/4, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Đình Khiển khẳng định, Chính phủ VN luôn coi trọng tầm nhìn dài hạn và chất lượng của công tác dự báo.
Coi trọng tầm nhìn và chất lượng dự báo ảnh 1
Các phóng viên nước ngoài rất quan tâm đến việc xử lý tiêu cực trong kinh tế. (VietnamNet)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Đình Khiển cho rằng những chỉ tiêu chủ yếu được xác lập trên cơ sở bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững theo 3 trục kinh tế-xã hội-môi trường.

Trước sự quan tâm của nhiều nhà báo quốc tế về những chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Việt Nam đề ra cho 5 năm tới, 2006-2010, Thứ trưởng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7,5-8%/năm không phải là tham vọng mà được đặt ra dựa trên cơ sở thực tế. Trong khi xây dựng những chỉ tiêu kế hoạch này, Chính phủ cũng đã tham vấn rộng rãi ý kiến không chỉ của chuyên gia trong nước mà cả nhiều chuyên gia nước ngoài.

Liên quan đến việc bảo đảm môi trường đầu tư ở Việt Nam, Thứ trưởng Trần Đình Khiển nêu rõ, Việt Nam đã và đang tiếp tục những nỗ lực phòng chống tham nhũng, xoá bỏ những bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Riêng về việc quản lý vốn đầu tư, tránh thất thoát, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng những năm gần đây, Chính phủ luôn chú trọng giải pháp quản lý vốn đầu tư, ban hành nhiều văn bản pháp luật về vấn đề này, tiếp tục chỉ đạo các ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án sử dụng vốn nhà nước.

Báo cáo “Thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội qua 20 năm Đổi mới (1986-2006) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010” do Thứ trưởng Trần Đình Khiển trình bày đã nêu rõ yêu cầu đối với định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực chủ đạo.

Trong đó, 5 năm tới, nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ được tạo bước chuyển về chất; công nghiệp cần duy trì tốc độ phát triển cao đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đối với ngành dịch vụ, mục tiêu của kế hoạch này là tạo bước phát triển vượt bậc, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống. Hoạt động xuất,nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh.

Các mục tiêu về xã hội cũng được đề cập cụ thể với việc tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo một cách có hệ thống và đồng bộ, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ nội sinh đi đôi với tăng cường tiếp thu làm chủ ứng dụng thành tựu khoa học của thế giới; Nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn lao động; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tăng trưởng toàn diện đi đôi với xoá đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Nhóm giải pháp và chính sách liên quan đến phát triển doanh nghiệp cho thấy, Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước một cách vững chắc theo loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, tiếp tục đổi mới kinh tế tập thể và phát mạnh kinh tế đa sở hữu. Cùng với đó, kinh tế tư nhân sẽ được tiếp tục tạo thuận lợi để phát triển không hạn chế quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục được khuyến khích phát triển với hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi.

Liên quan đến những giải pháp về tài chính, thứ trưởng Trần Đình Khiển nêu rõ, tiềm lực tài chính quốc gia sẽ được tăng cường, huy động tối đa các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển; xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương theo các đề án được Chính phủ phê duyệt.

Xây dựng đồng bộ và hoàn thiện thể chế kinh tế cũng được coi là một nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới.

Vụ PMU18 - lỗ hổng quản lý quá lớn

- Qua vụ án PMU 18 đã hiện ra một số lỗ hổng về quản lý kinh tế. Xin ông cho biết lỗ hổng đó được nhận diện như thế nào trong quản lý và còn lỗ hổng nào tương tự hay không?

- Trong quản lý dự án có rất nhiều khâu, trong vụ PMU 18 thì lỗ hổng trực tiếp là trong khâu tổ chức quản lý thực hiện và khâu tổ chức giám sát. Bên cạnh đó nguyên nhân cơ bản trực tiếp là vấn đề xử lý con người. Đây là 3 nguyên nhân trực tiếp.

Trong quản lý kinh tế, thông qua một số nghị định thì các trách nhiệm đã được phân công rõ ràng, làm sao sắp tới phải tránh được sự chồng chéo, tìm ra đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể. Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để hoàn thiện quy trình trong quản lý các dự án.

- Ông có thể cho biết những biện pháp chống tham nhũng, triệt tiêu những vụ như PMU 18

- Ngay từ khi thành lập nước năm 1945, thì Hồ Chủ Tịch đã nêu. Đến Đại hội XI cũng đã nhấn mạnh vấn đề này. Về mặt pháp lý, Quốc hội vừa ban hành Luật phòng chống tham nhũng, trước đây chúng ta chỉ nói là “chống tham nhũng”, tức là pháp lý hóa các vấn đề liên quan đến tham nhũng; thứ 2 là Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ngoài ra còn có chương trình hành động của Chính phủ. Cũng có hệ thống thanh tra vĩ mô và hệ thống thanh tra theo từng vụ việc cụ thể.

- Theo ông vụ PMU 18 có ảnh hưởng đến đầu tư hay không và những biểu hiện cụ thể là như thế nào?

- Vụ việc xảy ra Đảng và Nhà nước đau lòng, dư luận phẫn nộ và các nhà đầu tư nước ngoài thì quan tâm. Chúng tôi muốn nêu ý tổng quát như thế này: có thể nói việc ảnh hưởng đến đầu tư hay không phụ thuộc quan điểm và thái độ xử lý của chúng ta đối với việc chống tham nhũng như thế nào? Qua thực tế, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã rất làm rất quyết liệt trong chuyện này.

- Bộ KH&ĐT  đã có kiểm điểm và rút kinh nghiệm như thế nào qua vụ PMU 18?

- Liên quan đến vụ này Thủ tướng đã chỉ đạo tất cả các ngành rút kinh nghiệm, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.. Cụ thể việc này thì thời gian tới sẽ có kết quả từ phía Chính phủ.

(Tổng hợp từ TTXVN và VietnamNet)

MỚI - NÓNG