Hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021:

Coi trọng giá trị con người

0:00 / 0:00
0:00
Không nên chỉ tập trung vào hoạt động văn hóa mang tính hình thức
Không nên chỉ tập trung vào hoạt động văn hóa mang tính hình thức
TP - “Không thể coi văn hóa là bánh xe dự phòng, cần xem văn hóa ngang hàng với các lĩnh vực khác”. Đó là ý kiến của GS.TS Từ Thị Loan, nguyên quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia. GS Từ Thị Loan trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh đề xuất để xây dựng văn hóa theo chủ trương nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Được biết giáo sư vừa thực hiện đề tài cấp quốc gia “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Vậy con người Việt Nam mới có thể được đúc rút bằng những phẩm chất nào?

Chúng tôi đã bảo vệ thành công đề tài cấp quốc gia như PV vừa nhắc đến. Nghị quyết 33 năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định một trong sáu nhiệm vụ quan trọng là con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức- trí- thể- mỹ. Từng giá trị đạo đức-trí tuệ-thể lực-năng lực thẩm mỹ đó bây giờ không bó hẹp mà có nhiều chiều kích khác nhau, soi chiếu trong mối quan hệ đối với gia đình, công việc. Nghị quyết 33 quy chiếu ra bảy đặc tính con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn thấy một số đức tính trong thời đại mới cần được xem xét lại, tổng kết lại hệ giá trị các nhà nghiên cứu: Yêu nước, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương, trung thực, đoàn kết. Chúng tôi cũng tham khảo một số hệ giá trị ở nhiều quốc gia, đưa ra giá trị cốt lõi đối với từng lứa tuổi, nhóm nhất định, chẳng hạn tiêu chuẩn đối với học sinh, sinh viên, cán bộ, văn nghệ sĩ, từng ngành nghề khác nhau.

Theo GS, đâu là những giải pháp then chốt để hệ giá trị thực sự đi vào cuộc sống?

Tôi cho rằng, để hiện thực hóa hệ giá trị chuẩn mực của con người, văn hóa Việt Nam, trước hết, cần xây dựng hệ giá trị quốc gia.

Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới văn hóa, điều này thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, nước ta cũng cần xây dựng hệ giá trị quốc gia để từ đó thành kim chỉ nam, có giải pháp đưa hệ giá trị đi vào đời sống. Giải pháp vĩ mô liên quan đoàn thể xã hội, cần có thể chế về con người tầm cỡ quốc gia để không có nhiều biểu hiện tiêu cực, mới giáo dục được người dân. Giải pháp chi tiết được xây dựng ở từng lĩnh vực, chẳng hạn đề cao y đức cần làm sao để không còn tình trạng phải có tiền mới xếp giường, sắp lịch mổ; trong lĩnh vực kinh tế, không cần bôi trơn mới có thể xây dựng nền tảng đạo đức; môi trường học đường thì thầy phải ra thầy, trò ra trò.

Chúng ta không được quên văn hóa gia đình, bởi đó là môi trường văn hóa đầu tiên của con người. Hiện nay nhiều gia đình bố mẹ mải mê kiếm tiền phó mặc giáo dục con cái cho nhà trường, xã hội. Nền tảng văn hóa được xây dựng từ cơ sở, từ văn hóa trong các cộng đồng, thiết chế làng xã, xây dựng văn hóa dòng họ, văn hóa khuyến học, mặt trận cũng góp phần đưa văn hóa lành mạnh hơn, khu dân cư tốt hơn.

Coi trọng giá trị con người ảnh 1

GS.TS Từ Thị Loan

“Nhiều địa phương luôn nghĩ văn hóa là “cờ đèn kèn trống” nên đầu tư kinh phí ít, thành ra biến thành hoạt động phong trào, cổ động băng rôn mang nặng tính hình thức, vừa tốn kém vừa không đi vào thực chất” - GS.TS Từ Thị Loan

Trong quá trình xây dựng nền tảng văn hóa và đạo đức đó, chúng ta có thể nhìn nhận vai trò của văn nghệ sĩ ra sao?

Vai trò văn hóa nghệ thuật chính là thu phục nhân tâm, lay động, bồi bổ tâm hồn con người. Một bộ phim có tác động lớn có thể thay đổi toàn bộ con người ta. Đơn cử phim truyền hình gần đây, nhiều tác phẩm nhận được sự hưởng ứng lớn của xã hội như Về nhà đi con-bộ phim đề cao vai trò của ông bố, nhắc người ta không được quên các giá trị nhỏ trong gia đình. Nhiều chương trình truyền hình có giá trị tích cực như Điều ước thứ 7, Việc tử tế, Cha mẹ thay đổi-các con được cất tiếng nói đối thoại- cần nhân rộng.

KHÔNG THỂ MÃI LÀ DỰ PHÒNG

Gần đây, các chuyên gia, dư luận xã hội nói nhiều tới hiện tượng đạo đức xuống cấp. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này ra sao?

Xuống cấp đạo đức là hệ quả của quá trình lâu dài. Một trong những nguyên nhân chính là mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế, đời sống hiện đại nhưng tôi nghĩ chuyện xuống cấp này cần đặt trong bức tranh tổng thể. Xuống cấp đạo đức liên quan đến kinh tế đã đành, xã hội vật chất và hưởng thụ nữa, tuy nhiên, nhìn sâu xa hơn thì căn cốt nhất chính là nền tảng đạo đức bắt nguồn từ thể chế. Những con người rường cột có gương mẫu, nói đi đôi với làm không hay lại nói một đằng làm một nẻo? Con người sống có lí tưởng, cần nhìn vào những tấm gương xã hội.

Chúng ta muốn đẩy mạnh phát triển văn học nghệ thuật, giáo dục đạo đức lối sống, nhưng văn học nghệ thuật hiện nay lại ngả theo chức năng giải trí rất nhiều. Chính vì thế, nhiều người luyến tiếc ngày xưa khi người ta đọc và xem những tác phẩm đi vào lòng người, có lí tưởng. Ngày nay, phim ảnh chú trọng yếu tố giật gân, tình ái vô tình giáo dục cho thế hệ trẻ chạy theo cuộc sống hưởng thụ, sống gấp...

Đảng, Nhà nước xác định văn hóa là nền tảng, là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế-xã hội, nhưng dường như điều này vẫn còn hạn chế trong triển khai thực hiện?

Một giám đốc Sở VHTTDL than với tôi, khi sắp xếp ngân sách thì văn hóa luôn bị xếp cuối cùng, sau những lĩnh vực nóng bỏng như xã hội, y tế, giáo dục... Do nhiều người nghĩ văn hóa “không cháy nhà chết người, chỉ là cờ đèn kèn trống” cho nên khi địa phương có sự bất ổn, gặp thiên tai, ngân sách dành cho văn hóa bị cắt trước tiên. Đầu tư cho văn hóa ở nhiều địa phương rất hạn chế.

Đảng, Nhà nước xác định văn hóa là nền tảng tinh thần... Tuy nhiên, đi vào thực tế, chúng ta thấy ở nhiều nơi, văn hóa chỉ là “bánh xe” thứ 5 mang tính chất dự phòng, không bao giờ được coi là trụ chính để phát triển.

Cảm ơn giáo sư.

MỚI - NÓNG
Thực hư tin 'rút ruột' 90% tiền ủng hộ bão lũ; Giả giọng phó giám đốc sở mượn tiền
Thực hư tin 'rút ruột' 90% tiền ủng hộ bão lũ; Giả giọng phó giám đốc sở mượn tiền
TPO - Làm rõ việc 1 câu lạc bộ "rút ruột" 90% số tiền ủng hộ người dân vùng lũ; TPHCM lập tổ phản ứng nhanh chống dịch sởi tại trường học; Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương bị giả giọng để mượn tiền khắp nơi;  Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.