Cởi mở hơn với tranh khỏa thân

Tranh nude của Lưu Công Nhân trong triển lãm “Nét”. Ảnh: BTC.
Tranh nude của Lưu Công Nhân trong triển lãm “Nét”. Ảnh: BTC.
TP - Một số bức tranh khỏa thân trong triển lãm “Nét” của họa sỹ Lưu Công Nhân trở thành cái cớ để họa sỹ, giám tuyển Lê Thiết Cương chủ trì tọa đàm bàn về tục-thanh trong nghệ thuật ở Việt Nam ngày 16/9.

Tranh khỏa thân lâu nay vẫn được coi là vùng nhạy cảm, dù các nhà nghiên cứu chỉ ra cả quá trình phát triển từ cổ đại tới ngày nay: Hình ảnh cặp nam nữ làm tình trên nắp thạp Đào Thịnh cách nay 2.500 năm. Nhiều dân tộc thiểu số ở miền Trung cũng có tác phẩm điêu khắc khỏa thân. Khỏa thân cũng là nguồn cảm hứng cho mỹ thuật Việt từ thời Lý Trần tới cuối thế kỷ 19. Mảng chạm khắc đôi nam nữ làm tình vẫn lưu lại tại đình Phụ Lão, Bắc Giang có từ thế kỷ 16. Hình ảnh khỏa thân điềm nhiên xuất hiện trong nhiều mảng trang trí ở nơi công cộng như đình làng, chứng tỏ sự cởi mở với đề tài khỏa thân trong mỹ thuật truyền thống. Đến giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương và lứa họa sĩ sau, khỏa thân vẫn là một trong những mảng đề tài được quan tâm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Trần Lưu Hậu rồi Lưu Công Nhân. Các họa sỹ đương thời như Trịnh Thái, Đỗ Sơn và kể cả Hoàng Phượng Vỹ cũng có những tác phẩm khỏa thân đẹp.

“Đề tài chỉ đơn giản là đề tài, không phân cao- thấp, to-bé gì cả, chỉ là cách thể hiện thế nào thôi”, Lê Thiết Cương nói. Anh dẫn chứng Hoàng Ngọc Hiến từng nói rằng nên quan tâm đến cách kể nội dung, đừng quan tâm tới nội dung. Lê Thiết Cương cho rằng khi xem tranh khỏa thân nên tìm hiểu họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ thể hiện đề tài khỏa thân nữ trong tranh thế nào, tranh Lưu Công Nhân khác gì Trần Lưu Hậu. Nếu đặt các bức khỏa thân cạnh nhau có thể thấy mỗi họa sĩ tìm cách thể hiện riêng. Chẳng hạn Trần Lưu Hậu vẽ các cô gái cạnh nhau, Trịnh Tú luôn kết hợp khỏa thân với tĩnh vật, Doãn Hoàng Lâm chọn vẽ lưng.

“Không hiểu sao đề tài này ở Việt Nam vẫn bị cho là nhạy cảm, người xem cũng ngại, các nhà quản lý thường dùng cụm từ không hay lắm để trốn tránh vi phạm thuần phong mỹ tục”, Lê Thiết Cương nói. Một số dấu hiệu cởi mở hơn cho đề tài này khiến giới hội họa lạc quan hơn: Cơ quan quản lý cấp phép triển lãm ảnh khỏa thân ở TPHCM, triển lãm tranh tượng khỏa thân mang tên “Phượng” của nhóm 14 tác giả mỹ thuật Hải Phòng diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hồi tháng 7. Với triển lãm “Nét” của Lưu Công Nhân, giám tuyển Lê Thiết Cương cho biết để có được giấy phép thì số tranh khỏa thân cũng chỉ chiếm phần nhỏ-10 trong 57 bức.

Sở dĩ tranh, ảnh khỏa thân luôn chịu cái nhìn định kiến bởi nó nằm ở giữa tục và thanh. Hơn nữa gần đây có những bức tranh khỏa thân mạo danh nghệ thuật chỉ có dục mà không đẹp, lại có những người lợi dụng đề tài này để đánh bóng tên tuổi. “Họa sĩ phải có năng lực biến nhục cảm thành mỹ cảm. Nếu không cảm thấy nhục cảm, ngồi trong xưởng vẽ trước một cô người mẫu mà không có rung động tốt nhất đừng bao giờ vẽ tranh khỏa thân. Các bạn phải có một phông văn hóa đủ vững, hiểu biết về đề tài để biến nhục cảm thành mỹ cảm. Khi người xem tranh khỏa thân phải thấy được cái hay của đề tài này là có yếu tố nhục cảm. Xem tranh phải thấy đẹp, thấy rung động trong tâm hồn. Cái dục ở trong đề tài thì nó nên ở trong tranh vọng ra người xem chứ không phải trong đầu người xem”, Lê Thiết Cương nói.

“Họa sĩ phải có năng lực biến nhục cảm thành mỹ cảm. Nếu không cảm thấy nhục cảm, ngồi trong xưởng vẽ trước một cô người mẫu mà không có rung động tốt nhất đừng bao giờ vẽ tranh khỏa thân.

Lê Thiết Cương

MỚI - NÓNG