>> Bằng tiến sĩ của ông Ngọc có chữ ký ngoại trưởng Hoa Kỳ?
Tiến sĩ Mark A.Ashwill - Nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục quốc tế tại VN (IIE), hiện là giám đốc điều hành của Công ty phát triển nguồn nhân lực Capstone Việt Nam - đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng nhốn nháo các loại văn bằng không hề được quốc tế công nhận nhưng lại xuất hiện không kiểm soát được tại Việt Nam.
Ông Mark A.Ashwill nói:
- Việc các trường đại học (ĐH) của Hoa Kỳ không được chính quyền công nhận nhưng lại hoạt động mạnh ở Việt Nam đang làm ảnh hưởng đến uy tín của cả hai quốc gia. Thật ra, thủ tục thành lập các trường kiểu này ở Hoa Kỳ giống như lập công ty. Phần lớn các trường này đều là “trường ĐH trực tuyến” (online university) và một số trường được xem là “lò sản xuất văn bằng” (diploma mill).
Tín chỉ, bằng tốt nghiệp tại những trường này không có giá trị, không được các trường khác công nhận khi sinh viên muốn chuyển sang học trường khác hoặc học lên cao.
Vậy quy trình thẩm định bằng cấp tại Hoa Kỳ cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Tại Hoa Kỳ, có hai loại kiểm định trường ĐH: một loại do cơ quan giáo dục tại địa phương chứng nhận. Còn các trường có uy tín, chất lượng cao thường do đơn vị thẩm quyền về giáo dục của quốc gia công nhận. Cơ quan thẩm định sẽ xem xét toàn bộ chương trình đào tạo, quản trị, các nội dung tự học, tự nghiên cứu tại nhà trường. Sau đó họ đến thăm và kiểm tra định kỳ các tiêu chuẩn này có đúng như kế hoạch mà trường đã xây dựng, báo cáo hay không. Các trường không được công nhận chủ yếu do không có gì bảo đảm chất lượng, người ta không biết ở đó dạy gì, sinh viên ra trường làm gì...
Khi xảy ra hiện tượng trường ĐH hoạt động mà không đủ tiêu chuẩn thẩm định, bang đó sẽ siết chặt luật, bổ sung điều này, điều khác. Vì lý do này, có thể các trường không được công nhận ở bang này lại chuyển sang hoạt động ở bang khác.
Vậy đặc điểm nào có thể giúp học viên nhận biết đó là trường không được cơ quan kiểm định Hoa Kỳ công nhận?
- Rất đơn giản. Trên website các trường có chất lượng sẽ ghi rõ trường đó được công nhận bởi cơ quan thẩm định giáo dục nào, còn các trường này thì không hề có thông tin đó.
Theo ông, người Việt Nam có được những tấm bằng này thông qua những “kênh” nào?
- Hoặc là sinh viên đã theo học ở trường đó về môi giới tiếp, hoặc do các công ty, các trường ĐH tìm cách liên kết với nhau.
Ông có quan tâm đến sự kiện gần đây nhiều quan chức Việt Nam cũng nhận những tấm bằng từ các “lò sản xuất” này?
- Không có gì lạ. Ngay ở Hoa Kỳ cũng từng có những xìcăngđan tương tự như Việt Nam. Đã có một số quan chức “vướng” phải bằng cấp từ những trường ĐH không được thừa nhận này.
Tôi biết có một quan chức trong bộ phận bảo đảm an ninh Hoa Kỳ - được thành lập sau vụ 11 - 9 - cũng nhận bằng sau đại học từ một trường không được chính quyền công nhận. Nhưng, ở nước chúng tôi, những quan chức đó khi bị phát hiện lập tức bị sa thải, hoặc bản thân họ cũng thấy xấu hổ để không ở lại cương vị cũ.
Ông có khuyến cáo gì cho ngành giáo dục Việt Nam trong việc ngăn chặn những bằng dỏm từ trường dỏm của nước ngoài?
- Cơ quan quản lý giáo dục nên lưu tâm quản lý chặt những mối hợp tác giữa các trường ĐH nước ngoài với trường ĐH tại Việt Nam. Trường hợp Khoa quản trị kinh doanh ĐH Quốc gia Hà Nội liên kết với ĐH Irvine mà báo nêu là một ví dụ điển hình. Tôi nghĩ nhà trường phải có trách nhiệm giải thích rõ với học viên, những người đã bỏ số tiền không nhỏ để có tấm bằng... không được công nhận. Mặc dù tôi biết rằng một trong những lý do hấp dẫn “sự liên kết” và hấp dẫn cả người học là học phí MBA theo chương trình của ĐH Irvine chỉ bằng một nửa so với trường chính thống khác.
Tôi có ý định sẽ nghiên cứu kỹ và công bố chi tiết thông tin các trường có uy tín và không có uy tín tại Hoa Kỳ để người học Việt Nam biết và cảnh giác. Thậm chí, tôi sẽ tìm cách dịch những thông tin này sang tiếng Việt cho mọi người cùng biết rộng rãi hơn.
Theo Ngọc Hà
Tuổi Trẻ
Liên kết với ĐH Irvine chấm dứt từ năm 2008
Chiều 27 - 7, GS.TS Vũ Minh Giang, phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Chương trình liên kết đào tạo giữa Khoa quản trị kinh doanh ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Irvine đã được thực hiện theo nguyên tắc phía đối tác nước ngoài chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình đào tạo và cấp bằng. Nhưng chương trình đã chấm dứt hoạt động từ năm 2008”.
Theo ông Giang, từ năm 2008, ĐH Quốc gia Hà Nội có chủ trương chỉ thực hiện liên kết đào tạo đối với các đối tác là các cơ sở đào tạo của nước ngoài phải nằm trong top 200 (theo bảng xếp hạng của Webometrics).
ĐH Quốc gia Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thành viên rà soát các chương trình và đối tác liên kết đào tạo. Những đối tác nào không đủ điều kiện, trong đó có Trường ĐH Irvine, đã được ĐH Quốc gia Hà Nội yêu cầu chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo.
Thông tin từ Khoa quản trị kinh doanh cho biết trong thời gian liên kết giữa khoa và Trường ĐH Irvine, hai bên đã thực hiện 10 khóa đào tạo thạc sĩ với khoảng 300 học viên. Tuy nhiên, đại diện Khoa quản trị kinh doanh cho hay, chưa thống kê được chính xác bao nhiêu học viên đã được nhận bằng thạc sĩ.
Theo T.HÀ
Tuổi Trẻ