Virus biến thể lây nhanh gấp 4-5 lần
Tại cuộc họp, các chuyên gia cho biết, những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên thế giới cho thấy tốc độ lây lan sinh học biến thể mới của SARS-CoV-2 nhanh hơn khoảng 1,7 lần. Tuy nhiên, trong thực tế kết hợp với các số liệu tính toán cho thấy, thời gian lây nhiễm chủng virus trước đây khoảng 5-6 ngày 1 vòng lây, hiện tại chỉ 3 ngày 1 vòng lây nên các chuyên gia đánh giá tốc độ lây lan trong thực tế của biến thể mới nhanh gấp 4-5 lần. Điều này đòi hỏi năng lực phát hiện, cách ly, khoanh vùng, đặc biệt là xét nghiệm phải tăng ít nhất 4-5 lần.
Từ phân tích dữ liệu, ông Nguyễn Thế Trung, Tổ phó Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh COVID-19, cho biết, vào thời điểm phát hiện ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh) và ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) vào trung tuần tháng 1, trên thực tế đã có các ổ dịch khác ở sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Đó là chưa kể đến trường hợp chuyên gia người Nhật tử vong mang chủng virus mới (nhiễm biến thể 20C của SARS-CoV-2); trường hợp ca bệnh ở Hải Dương mang chủng virus đang gây lây nhiễm ở Nam Phi.
Qua ổ dịch TP. Chí Linh cho thấy, biến thể mới của virus lây nhanh hơn, xuất hiện ở khu công nghiệp - nơi tập trung nhiều công nhân làm việc trong môi trường kín. Tại ổ dịch Cẩm Giàng, dịch bệnh xuất hiện trong quán karaoke - nơi thuận lợi cho virus lan truyền. Ban đầu, các địa phương như Hải Dương, Gia Lai chưa thực sự chủ động ngay về năng lực xét nghiệm và khoanh vùng dập dịch. Nhưng rất nhanh sau đó, các địa phương có ngay biện pháp khắc phục. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành y tế và chính quyền các cấp thời gian qua.
Qua mỗi đợt dịch, các chuyên gia kiến nghị phải khẩn trương đúc rút kinh nghiệm để bổ sung cách thức phòng, chống dịch tốt hơn. Điển hình, đợt chống dịch ở Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh trong bệnh viện trở thành kinh nghiệm để Hải Phòng có thể xử lý triệt để ca bệnh phát hiện trong bệnh viện. Tương tự, dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp ở Hải Dương là kinh nghiệm lớn để đúc rút, bổ sung các hướng dẫn, đặc biệt liên quan việc cách ly hàng nghìn người khi có dịch bệnh.
Tri ân các thầy thuốc
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam gửi lời chúc, lời cảm ơn, sự tri ân chân thành đến tất cả các thầy thuốc, những người đã luôn luôn quên mình bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đặc biệt trong dịch bệnh COVID-19 suốt hơn 1 năm qua. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn người dân thể hiện sự tri ân thiết thực nhất đến tất cả các thầy thuốc, toàn bộ lực lượng chống dịch bằng cách thực hiện thật tốt các khuyến nghị của ngành Y tế, chung tay chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, chiến lược 5 bước gồm ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị được áp dụng hiệu quả trong đợt chống dịch vừa qua, cần tiếp tục kiên trì thực hiện. “Bài học trong đợt chống dịch vừa qua và những lần trước đó cho thấy chúng ta phải kiên trì và tiếp tục hoàn thiện chiến lược này. Trong mọi trường hợp, cố gắng phát hiện nhanh nhất, theo các bước truy vết thần tốc, truy đến đâu khoanh đến đó”, ông nói.
Có vắc-xin cũng không được chủ quan
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với Bộ Y tế rằng, trong chống dịch, vắc-xin ngừa COVID-19 vẫn là giải pháp căn cơ nhất. Các nước bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin đã có hiệu quả. Phó Thủ tướng nhắc lại khuyến nghị của các chuyên gia: “Có vắc-xin rồi nhưng không được chủ quan. Vì sau khi tiêm mũi vắc-xin thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại virus ngay mà phải đến mũi thứ hai. Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai vẫn phải coi như người chưa được tiêm vắc-xin. Thêm nữa, chúng ta chưa thể tiêm vắc-xin cho tất cả người dân. Trong khi so với các nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh nên bên ngoài “vẫn phải bao đê cho chặt”, ở bên trong, kể cả những người đã được tiêm vắc-xin, vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K”.
Ngày 26/2, Bộ Y tế cho biết, có thêm 6 ca mắc mới, trong đó 4 ca ghi nhận tại tỉnh Hải Dương, 2 ca còn lại nhập cảnh đã được cách ly ngay tại tỉnh Tây Ninh và Ðồng Tháp. Việt Nam có tổng cộng 1.524 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 831.
Trước thông tin không chính thức về hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, độ đặc hiệu của vắc-xin này từ 80% trở lên. Thông tin ban đầu cho thấy vắc-xin chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hằng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngay ngày hôm nay, chúng ta vẫn phải tiếp tục cảnh giác vì không ai có thể chắc chắn ở Việt Nam không có mầm bệnh, thậm chí ổ dịch tiềm tàng trong cộng đồng. Chúng ta cảnh giác nhưng không run sợ vì đã quen với “kẻ địch COVID-19”, dù có biến thể nào đi chăng nữa, nếu kiên trì chiến lược chống dịch từ đầu, trên hết là sự ủng hộ của toàn thể nhân dân”.