Cô trò thắp lửa khoa học

TP - Trong số 226 công trình nghiên cứu khoa học của trên 500 sinh viên, giảng viên trẻ của 88 trường ĐH trong cả nước tham gia giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2012, giảng viên và sinh viên Đại học Lạc Hồng giành 2 giải Nhất và 2 giải Nhì.

> Xót lòng cảnh học sinh vượt suối đến lớp
> Thầy giáo mù lập mái ấm cho trẻ khuyết tật

Thành công từ những cuộc thi

Đề tài đạt giải nhất “Nghiên cứu chế tạo vật liệu cách nhiệt Polyurethane tỷ trọng thấp gia cường bằng hạt nano sio2” của sinh viên Phạm Thế Hiếu (khoa CN Hóa- Thực phẩm) được hội đồng xét tặng giải thưởng đánh giá là đề tài thể hiện được kiến thức cơ bản vững vàng, báo cáo viết tốt nhất trong các công trình tham dự.

Đề tài đạt giải nhì “Thiết kế và thi công máy đếm refill shibo” của sinh viên Nguyễn Văn Tuấn và Võ Công Danh khoa Cơ điện (ĐH Lạc Hồng) được khen là có giải pháp mới hơn khi đưa ra nguyên lý hoạt động của máy đếm, đề tài này đã được ứng dụng sản xuất sản phẩm cho Công ty TNHH công nghiệp Plus Việt Nam.

Nói về đề tài đạt giải của mình, sinh viên Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trong thời gian đi kiến tập tại Cty TNHH công nghiệp Plus Việt Nam, Tuấn và bạn Võ Công Danh được phân công làm việc tại phòng thiết kế và bảo dưỡng máy.

Tại đây, nhận thấy sản phẩm màng bọc (một loại văn phòng phẩm cao cấp) của Cty sản xuất ra, công nhân phải đếm bằng tay hoặc dùng máy siêu âm đo độ dài để xác định khối lượng, tốn nhiều nhân công, độ chính xác không cao, Tuấn và Danh đã mạnh dạn nghiên cứu chế tạo máy đếm tự động.

Sau khoảng 4 tháng thiết kế, chế tạo, máy đếm Refill Shibo đã được ra đời và áp dụng vào sản xuất.

Máy đếm Refill Shibo đã thay thế thao tác đếm Refill bằng tay của công nhân. Hệ thống này giúp nâng cao độ chính xác, tính ổn định đồng thời nâng cao tính đồng bộ, giảm đến mức thấp nhất những sai sót trong quá trình đếm của công nhân.

Hiện nay máy đã được lắp đặt hoàn thành và đưa vào hoạt động sản xuất ở bộ phận CPP Film tại Cty Plus Việt Nam. Sau một thời gian ứng dụng vào sản xuất, máy được công ty đánh giá rất cao, máy thay thế được 2 công nhân trong 1 ca sản xuất.

Việc công ty sử dụng máy đếm Refill Shibo vào sản xuất để thay thế thao tác đếm bằng tay của công nhân, đã góp phần lấy lại được niềm tin và uy tín của khách hàng đối với công ty khi lô hàng xuất khẩu đáp ứng đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu.

Nói về thành công của đề tài, Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Trước hết đó là trách nhiệm trong công việc, tuy nhiên chính trong môi trường học tại nhà trường với những cuộc thi sáng tạo khoa học, chế tạo robot, những thành tích thi robocon chính là động lực giúp chúng tôi ứng dụng vào thực tế công việc”.

Đề tài chống thịt… gian

Là năm đầu tiên giải thưởng tài năng khoa học trẻ có thêm giải thưởng dành cho giảng viên trẻ, thạc sĩ Đoàn Thị Tuyết Lê (SN 1983) giảng viên Khoa Công nghệ sinh học- Môi trường trường Đại học Lạc Hồng đã đạt giải nhất về đề tài “Phân biệt thịt heo, gà, trâu, bò, dê bằng kỹ thuật PCR”.

Giảng viên trẻ Tuyết Lê cho biết, đề tài cô nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu trong cuộc sống thường ngày của mọi người, mọi gia đình khi hằng ngày đều luôn dùng thịt và các sản phẩm thịt chế biến.

Người tiêu dùng muốn biết chính xác loại thịt trong các sản phẩm đó, vì những lý do như gian lận thương mại (thông tin trên nhãn sai), sức khỏe (lây lan mầm bệnh BSE), dị ứng khi ăn thịt, hay vì lý do tôn giáo. Do đó, cần có phương pháp phát hiện chính xác và nhanh chóng xác định loại thịt trong các sản phẩm thịt tươi và thịt chế biến.

Có nhiều phương pháp để phân biệt loại thịt như phương pháp dựa vào protein (điện di, sắc ký, miễn dịch…), phương pháp dựa vào DNA. Trong đó, phương pháp dựa vào PCR cho kết quả nhanh và đặc hiệu.

PCR (polymerase chain reaction - phản ứng tổng hợp dây chuyền nhờ polymerase) do Kary Mullis và cộng sự phát minh năm 1985. PCR là kỹ thuật in vitro cho phép nhân nhanh một gen mong muốn lên hàng triệu lần trong một thời gian ngắn.

Đề tài “Phân biệt thịt heo, gà, trâu, bò, dê, cừu bằng kỹ thuật PCR” được thực hiện với mục tiêu là hoàn thiện quy trình mutiplex-PCR (m-PCR) phân biệt các loại thịt dê, cừu, heo, gà, bò lẫn trâu sử dụng primer thiết kế bởi Matsunaga & ctv (1999); xây dựng quy trình PCR phát hiện thịt trâu, thịt bò (PCR-trâu, PCR-bò) sử dụng primer tự thiết kế; ứng dụng quy trình m-PCR, PCR-trâu và PCR-bò để phát hiện 6 loại thịt trên đối với hỗn hợp DNA, hỗn hợp thịt không xử lý nhiệt, có xử lý nhiệt và mẫu bột thịt trên thị trường nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc.

Theo thạc sĩ Tuyết Lê, ứng dụng này sẽ được áp dụng có hiệu quả cho công tác hải quan, cơ quan thú y trong việc kiểm tra, kiểm soát xuất nhập khẩu thực phẩm thịt gia súc, gia cầm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Theo Báo giấy