Cố trả đủ lương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Lan (xe khách Hà Lan, Thái Nguyên) cho biết, nhiều DN vận tải khách đường bộ đang rất khó khăn.

Theo ông Hà, sau dịch COVID-19 tình hình kinh tế rất khác giai đoạn khủng hoảng kinh tế hồi năm 2011-2013. Trước đây, giá xăng dầu giảm mạnh chỉ còn dưới 10 nghìn đồng mỗi lít, lãi suất cũng giảm sâu, nên DN có cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, cả nhiên liệu và lãi suất đều tăng cao, trong khi nhu cầu đi lại giảm. Thậm chí, sau hoãn nợ do dịch bệnh, khi hết dịch, các ngân hàng quay ra thu cả gốc cũ lẫn mới trong năm nay, nên vừa qua có nhiều DN vận tải vỡ nợ, bị ngân hàng thu phương tiện đem bán đấu giá.

Cố trả đủ lương ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp vận tải khách đối mặt khó khăn, nợ lương người lao động, chưa nghĩ gì tới thưởng Tết Ảnh minh họa: Phạm Thanh

Với nhà thầu giao thông, Công ty Phương Thành Tranconsin đang thi công một gói thầu tuyến cao tốc Bắc - Nam, đầu tư khai thác (BOT) tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhưng cũng không mấy khả quan. Ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc công ty cho hay: “Ngành giao thông chết đuối rồi còn lương thưởng gì nữa”.

Theo ông Khôi, DN đang dồn dòng tiền để trang trải chi phí thi công cho xong gói thầu cao tốc Bắc - Nam theo tiến độ trong năm nay, dù nhà thầu lỗ. Ngân hàng không cho vay hay giải ngân thêm, trong khi chi phí nguyên, nhiên vật liệu phục vụ thi công nhà thầu vẫn phải trả bằng tiền mặt, giá lại tăng cao. Với khối vận hành khai thác BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Khôi cho biết, doanh thu thu phí cũng sụt giảm do điều chỉnh giảm phí 25% và đến nay chưa được tăng lại như cũ. Tiền thu phí chưa đủ trả ngân hàng nên công ty bị âm dòng tiền. “Vì uy tín của nhà thầu, của chủ đầu tư, theo cam kết, chúng tôi vẫn nỗ lực để hoàn thành gói thầu theo yêu cầu.

Hỗ trợ vé xe, ứng trước lương

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) lớn vật lộn để lo thưởng Tết cho người lao động, Tết với DN xã hội càng khó. Dù vậy, DN xã hội vẫn cố co kéo lo thưởng Tết cho “nhân viên đặc biệt” của mình.

“Giờ lo được tiền để trả lương những tháng còn nợ trước Tết cho anh em đã tốt, chưa nghĩ gì tới thưởng Tết. Chưa kể, cuối năm, DN còn phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, bảo hiểm. Nhiều DN vận tải khách tới giờ không thể cố được nữa”. Ông Nguyễn Mạnh Hà

Ông Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hoạt động của Vụn Art đang khó khăn hơn thời điểm dịch bệnh. Nhiều kỳ vọng hồi phục sau COVID-19, mở rộng kinh doanh, phát triển sản phẩm không được như kế hoạch. Còn 1 tháng nữa tới Tết Nguyên đán, nhưng hợp tác xã này vẫn chưa xong kế hoạch thưởng Tết, vì còn phải “co kéo” chi phí. Dù vậy, ông Cường tự tin sẽ lo được tối thiểu mức thưởng 1 tháng lương cho người làm trong hợp tác xã (khoảng 10 triệu đồng/người). Ông Cường cũng là người khuyết tật, và hiểu hơn hết nỗi lo của những lao động cùng cảnh.

Ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT DN xã hội Kym Viet (chuyên may mặc) chia sẻ, Tết năm nay, ngoài thưởng, công ty còn tặng thêm quà Tết cho người lao động, để ai cũng có Tết. “Có thể khoản tiền thưởng Tết không quá lớn, nhưng bằng các năm trước. Ngoài ra, nếu người lao động có nhu cầu ứng trước lương của các tháng sau Tết, vé xe về quê công ty cũng hỗ trợ”, ông Hoài nói. Hiện công ty may này tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 30 người khuyết tật.

MỚI - NÓNG