Có tới 3 bộ cùng quản lý về VSATTP ?

Có tới 3 bộ cùng quản lý về VSATTP ?
TP - ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) nêu vấn đề chất vấn được rất nhiều cử tri quan tâm: “Có 24,5% hoa quả nhập khẩu vào nước ta có chất bảo quản độc hại, gây ung thư, Bộ trưởng đã kiểm tra chưa, có khuyến cáo gì không?”
Có tới 3 bộ cùng quản lý về VSATTP ? ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu

   Câu hỏi của tôi rất rõ ràng nhưng đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết ai là người trả lời: Với những hoa quả nhập khẩu đó, tác hại thế nào, ai là người kiểm tra, kiểm định, chất lượng ra sao, nên dùng hay hạn chế? Nếu có thể,  đề nghị Bộ trưởng Y tế  tiếp tục trả lời bằng văn bản về nội dung này

Bộ trưởng Y tế viện dẫn các quy định trong Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, nói: Trong quy trình nói chung, “từ trang trại đến mâm cơm” thì Bộ Y tế đúng là có trách nhiệm nhưng là trách nhiệm chung. Sản phẩm trồng trọt thì trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, phụ gia, phẩm màu và lưu thông là Bộ Công Thương. Tuy nhiên chúng tôi sẽ trao đổi với các Bộ về vấn đề này.

Thấy Bộ trưởng Triệu “quy” trách nhiệm cho bộ khác, Chủ tịch Quốc hội đã “triệu” Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, ông Phát nói: “Bộ chỉ chịu trách nhiệm từ khi sản xuất đến lưu thông trong nước và xuất khẩu (điều 22 Pháp lệnh), đại biểu hỏi hoa quả nhập khẩu thì trách nhiệm của Bộ Công Thương, quy định ở điều 25”.

Bị  “gọi”, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận: “Tôi đồng tình cách giải thích của Bộ trưởng  Bộ NN&PTNT. Bộ Công Thương là đầu mối, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm, có thể  rút giấy phép kinh doanh”.

Chưa thỏa mãn, ĐB Mai truy vấn: “Phải có một “nhạc trưởng”, liên quan đến sức khoẻ của nhân dân, trách nhiệm là của Bộ Y tế, phải có người chịu trách nhiệm!”.

Bộ trưởng Triệu thừa nhận: ““Nhạc trưởng” đúng là Bộ Y tế, tuy nhiên từng lĩnh vực đã phân công các Bộ rồi. Đại biểu cũng nên thông cảm. Nếu có vấn đề gì, đó là phối hợp giữa các bộ chưa tốt, chúng tôi sẽ xem xét lại. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài với gian thương, giữa cái thiện và cái ác, cuộc đấu tranh này cả ngàn năm nay chưa có hồi kết”.

Câu trả lời này của ông Triệu làm cả hội trường bật cười…

Có tới 3 bộ cùng quản lý về VSATTP ? ảnh 2
ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh)

Không thể cấm bác sỹ ra ngoài làm

Đại biểu Lê Thị Nga (Phú Yên) chất vấn tình trạng bác sỹ ra ngoài làm thêm, thậm chí bỏ hẳn (tới 16%). Bộ trưởng Triệu trả lời: “Hiện nay số giường bệnh tư nhân chỉ chiếm 3%, còn lại 97% là của nhà nước. Xã hội hóa y tế có tình trạng “công tư nhập nhèm”, Bộ sẽ thanh tra xử lý.

Tuy nhiên, theo Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, không cấm bác sỹ làm ngoài giờ. Thậm chí, họ có thể xin thôi việc mà không bị chế tài bồi thường. Chúng tôi nghĩ là nên cố gắng đào tạo thêm bác sỹ cho cả khu vực công và tư”. Đại biểu Nga truy tiếp: “Vấn đề không phải là cứ đào tạo để họ lại ra ngoài, mà là nguyên nhân bỏ ra ngoài là gì?”.

Bộ trưởng: “Chúng ta vẫn phải tăng đào tạo, chính sách của ta là xã hội hóa y tế, tức là tăng thêm bệnh viện ngoài nhà nước, đều là khám chữa bệnh cho dân. Tất nhiên, các bệnh viện cũng phải chú ý trang bị lại, đầu tư đào tạo tay nghề, có chế độ đãi ngộ hợp lý…”.

Bộ trưởng Y tế cũng cho biết là, theo khuyến cáo của WHO, chúng ta không chấp nhận cho sữa nhiễm melamin lưu hành, dù bất cứ với tỷ lệ bao nhiêu.

Ngoài ra, chúng ta cũng rất cố gắng phòng dịch, do những điều kiện khách quan, mức sống, dịch bệnh vẫn luôn rình rập. “Với thu nhập dưới 1.000 USD/người mà tuổi thọ trung bình 72 tuổi, 98% số xã có trạm y tế là một cố gắng lớn rồi” - Ông Triệu phân trần. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.