Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng

“Cô tiên xứ Quảng” và món quà trị giá hàng chục biệt thự

“Cô tiên xứ Quảng” và món quà trị giá hàng chục biệt thự
TP - Khi lâm bệnh hiểm nghèo, vị "Lưỡng quốc tướng quân" can trường và hào hoa Nguyễn Sơn trở về Tổ quốc mang theo một khoản tiền lớn mà Đảng và Nhà  nước Trung Quốc tặng. Ông chỉ trích một phần nhỏ cho vợ con, còn lại hiến cho Nhà nước... 
“Cô tiên xứ Quảng” và món quà trị giá hàng chục biệt thự ảnh 1
Tướng Nguyễn Sơn và vợ - bà Lê Hằng Huân cùng các con (1956)

Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), sau những năm gian khổ trong chiến đấu, ba lần phải vượt qua Vạn lý Trường Thành do mất liên lạc với đơn vị, cộng với những tháng năm làm việc quên mình ở Chiến khu IV (Việt Nam), Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn đã mắc nhiều bệnh hiểm nghèo...

Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã chỉ đạo đưa Tướng Nguyễn Sơn vào Quân y Bắc Kinh để điều trị. Vị Nguyên soái nổi tiếng của Trung Quốc rất quan tâm và lo lắng cho bệnh tình của người bạn chiến đấu Việt Nam.

Ông thường xuyên thăm nom và yêu cầu các giáo sư, bác sĩ phải bằng mọi cách chữa trị cho Nguyễn Sơn. Nhưng bệnh tình của Nguyễn Sơn ngày càng nặng và các bác sĩ đã phát hiện ra khối u ác ở phổi.

Tuy các bác sĩ, y tá đều giấu, nhưng vị Lưỡng quốc Tướng quân dường như đã biết được “mệnh” của mình (năm đó ông vừa tròn 48 tuổi dương), nên đã đề đạt nguyện vọng với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc cho mình được về yên nghỉ nơi quê cha đất tổ.

Hơn 10 năm trước đó, Hồng Thủy (tên của Nguyễn Sơn lúc đó) cũng đã nằng nặc xin Chủ tịch Mao Trạch Đông cho về nước đánh giặc khi nghe tin Pháp trở lại xâm lược Việt Nam.

Bà vợ của Nguyễn Sơn còn nhớ như in lần chia tay ấy: Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh cho mời Hồng Thủy uống trà trên bàn đá bên dòng sông Dịch Thủy (Diên An).

Trong buổi tiễn đưa ấy, Mao Chủ tịch nói giọng thân thiết: “Tiểu Hồng, chúng tôi đều đồng ý để anh về Việt Nam – nơi đó là Tổ quốc anh, chúng tôi rất hiểu anh. Anh là cán bộ tốt của Hồng quân - khi về đến Việt Nam anh phải hòa hợp và đoàn kết với cán bộ Việt Nam…”.

Trở về nước lần đó (1946), Nguyễn Sơn đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch và Đảng giao phó qua các cương vị: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Trung Nam Bộ, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, Hiệu trưởng trường Lục quân Quảng Ngãi, Khu trưởng chiến khu IV. Năm 1950, Nguyễn Sơn trở lại Trung Quốc hoạt động, cho đến đầu năm 1956 thì lâm bệnh…

Sau khi nhận được lời thỉnh cầu của Hồng Thủy, các vị lãnh đạo Trung Quốc như: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai , Diệp Kiếm Anh, Bành Đức Hoài… đều hết lời khuyên giải Hồng Thủy nên ở lại Trung Quốc để dưỡng bệnh vì Việt Nam khi đó điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, lại đang phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ...

Rất xúc động trước tình cảm của Đảng và nhân dân Trung Quốc, nhưng Hồng Thủy vẫn một mực xin được về nước. Trước ý nguyện của Hồng Thủy, Mao Chủ tịch nắm chặt tay ông, dặn dò tỉ mỉ rồi yêu cầu thu xếp riêng cho Hồng Thủy một toa xe lửa và cử hai bác sĩ giỏi chăm sóc và đưa ông về tận Hà Nội. Các vị lãnh đạo Trung Quốc còn cấp cho Hồng Thủy 30.000 nhân dân tệ.

Ông xin không nhận số tiền này, nhưng các vị lãnh đạo Trung Quốc nói rằng đây không chỉ là tình cảm mà còn là quy định đối với các bậc công thần, rằng Hồng Thủy tham gia cách mạng Trung Quốc từ những năm tháng trứng nước, lập nhiều thành tích, mấy lần vượt Vạn Lý Trường Thành, được bầu vào Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được phong Tướng, xứng đáng được xếp vào hàng ngũ các vị công thần khai quốc… Hồng Thủy không còn lý do gì để từ chối món quà 30.000 tệ ấy.

Mùa thu 1956, ngày 27/9, sau khi chào từ biệt Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh cùng những người bạn chiến đấu Trung Quốc, Hồng Thủy – Nguyễn Sơn ra ga Bắc Kinh lên tàu hỏa trở về quê mẹ. Đích thân Nguyên soái Bành Đức Hoài cùng hơn 200 cán bộ cấp cao quân đội, ngoại giao, bạn bè đã ra tận sân ga lưu luyến tiễn đưa ông.

Ngày 30/9/1956, Nguyễn Sơn về đến Hà Nội. Ngay hôm đó, Nguyễn Sơn được báo tin: “Ngày mai Bác Hồ muốn gặp chú Sơn”. Thì ra, Hồ Chủ tịch cũng đã biết rõ bệnh tình của Nguyễn Sơn. Bác ân cần thăm hỏi, động viên Nguyễn Sơn và dặn dò cứ an tâm điều trị bệnh tật.

Ngày 10/10/1956, cơn đau bỗng trở nên dữ dội, Nguyễn Sơn được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt  - Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị). Mặc dù được sự chăm sóc hết lòng của các bác sĩ Việt Nam, Liên Xô, nhưng do căn bệnh ung thư phổi đã di căn, Lưỡng quốc Tướng quân đã ra đi vào hồi 15 giờ 30 ngày 21/10/1956, đúng cái tuổi “49 định mệnh”.

Hôm sau, lễ tang Nguyễn Sơn đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Người chỉ huy đội kèn danh dự trong lễ tang hôm ấy, sau này tâm sự rằng, trong đời anh cho tới lúc đó, chưa bao giờ khóc, nhưng hôm tiễn đưa tướng Nguyễn Sơn, anh đã chỉ huy đội kèn trong làn nước mắt…

Sinh thời, Tướng Nguyễn Sơn có 4 người vợ: Người vợ đầu tiên là Hoàng Thị Diệm – một thiếu nữ Hà thành nổi tiếng xinh đẹp  ở phố Quán Thánh – Con gái một gia đình giàu có, hơn Vũ Nguyên Bác (tên thật của Nguyễn Sơn) 4 tuổi.

Đám cưới được tổ chức vào năm 1924 khi Nguyễn Sơn mới 16 tuổi. Vì nhà ngoại giàu có, nên đám cưới được tổ chức linh đình làm sống động cả dãy phố Quán Thánh và Yên Ninh (nơi sinh của Nguyễn Sơn). Tiệc cưới đầy đủ các loại bánh, trầu cau, heo quay, pháo lệnh…

Khi người con gái đầu lòng Vũ Thanh Các vừa được 6 tháng tuổi, Vũ Nguyên Bác phải dựng chuyện cãi nhau với bố vợ để hợp thức hóa việc sang Quảng Đông theo học lớp huấn luyện chính trị do Lý Thụy (Hồ Chí Minh) mở và trực tiếp giảng dạy. Từ đây, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Sơn tại Trung Quốc.

Năm 1933, Vũ Nguyên Bác được tin người vợ đầu đã tái giá. Nguyễn Sơn lấy người vợ thứ hai là một phụ nữ Trung Quốc tên là Trần Ngọc Anh quê ở trấn Đông Dã (huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc).

Trần Ngọc Anh từng là Chủ nhiệm Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Ngũ Đài, giáo viên văn hóa ở phân hiệu 2 trường Đại học kháng Nhật, Trưởng khoa Giáo dục và nuôi dưỡng của Trường mầm non số 2 Diên An, sau này bà còn làm Viện trưởng Viện Giáo dục Mầm non “1-6 Bắc Kinh”.

Sau khi cưới nhau vào Tết Âm lịch 1938 tại Trung Quốc, Hồng Thủy (cơn sóng mạnh) – tên mới của Vũ Nguyên Bác - đã đặt cho vợ một cái tên mới: Trần Kiếm Qua (Kiếm qua: giáo mác – thể hiện sự hăng say chiến đấu). Kiếm Qua sinh được 3 người con: gái đầu lòng là Phong Ba đã mất từ khi chưa cai sữa mẹ, 2 con trai là Hàn Phong (cơn gió lạnh) và Tiểu Việt (nhớ về đất tổ).

Người vợ thứ ba của Nguyễn Sơn (tên lấy từ khi trở về Việt Nam lần thứ nhất) là một phụ nữ Nam Bộ nổi tiếng là sắc nét, được gọi với cái tên thân mật là Ba Nội.

Sau khi về nước một thời gian, Nguyễn Sơn nhận được tin Trần Kiếm Qua đã hy sinh bởi bom đạn giặc. Khi làm Hiệu trưởng trường Lục quân Quảng Ngãi, ông gặp Ba Nội – con gái một nhà cách mạng, cũng theo cha hoạt động, bị bắt, rồi vượt ngục Catina và được điều động về làm cán bộ phụ nữ ở Tây Nguyên,Thừa Thiên - Huế.

Mối tình “sét đánh” này nhanh chóng đi tới một đám cưới giản dị sau khi được sự chấp thuận của cấp trên. Năm sau một bé gái bụ bẫm xinh xắn ra đời được đặt tên Mai Lâm. Hai năm sau, do tính tình không hòa hợp, cộng với nhiều nguyên do khác, hai người chia tay nhau. Nguyễn Sơn bế con gái tới gặp phu nhân của nhà chí sĩ Hồ Học Lãm – Người rất thân thiết trong thời kỳ hoạt động bên Trung Quốc – nhờ nuôi giùm cho tới năm 1956, khi Nguyễn Sơn về nước chữa bệnh thì đón Mai Lâm về ở cùng…

Vợ thứ tư của Nguyễn Sơn là Lê Hằng Huân –Người phụ nữ có thể nói là sắc – tài – đức vẹn toàn. Hằng Huân là con gái của nhà nho Sở tuồng Lê Dư- Thi sĩ của đất Quảng.

Là em thứ ba trong 4 chị em nổi tiếng xinh đẹp nết na của đất Hà thành lúc đó, từng được mệnh danh là “Bốn nàng tiên xứ Quảng” gồm:  Lê Hằng Phương - Vợ nhà văn nổi tiếng Vũ Ngọc Phan; Lê Hằng Phấn – Vợ ông Hoàng Văn Trí, Giám đốc Xưởng in tiền giấy quốc doanh tại Thanh Hóa; Lê Hằng Huân và cuối cùng là Lê Hằng Trang (bị chết đuối khi tóc còn xanh).

Sắc đẹp và tính tình của Hằng Huân đã từng làm xiêu lòng biết bao chàng trai, trong đó có “ông vua” thơ tình Xuân Diệu… Đám cưới của Tướng Nguyễn Sơn với Hằng Huân được tổ chức vào ngày 4/10/1948. Cuộc hôn nhân thứ tư này đã cho ra đời 4 người con: 1 trai 3 gái.

Tính ra, vị tướng “đào hoa” này có tổng cộng 9 người con: hai người con trai ở với mẹ Kiếm Qua bên Trung Quốc, còn lại 7 người quây quần xung quanh người mẹ thứ tư Lê Hằng Huân.

Trở về nước, gia đình Tướng Nguyễn Sơn được Nhà nước ta bố trí ở một biệt thự hai tầng, rộng hơn 400 m2 ngay đầu phố Lý Nam Đế. Lúc này Tướng Nguyễn Sơn biết mình sẽ không qua khỏi được căn bệnh hiểm nghèo.

Trong số bạn  bè thân hữu, có người vì thương và lo cho vợ con Nguyễn Sơn nên đã khuyên ông và vợ nên dành số tiền 30.000 tệ mà nước bạn tặng để lo cho cuộc sống, nhà cửa của 7 đứa con sau này khi ông đi xa. Nguyễn Sơn trừng mắt và đuổi ngay.

Rồi ông nói với vợ rằng, vợ chồng mình cống hiến cho đất nước chẳng được bao nhiêu nên đừng bao giờ nghĩ đến hưởng thụ hay trông chờ vào Chính phủ. Đối với món quà 30.000 tệ được tặng, ông trích ra 3.000 tệ đưa cho Hằng Huân giữ lại một phần để chi dùng cho những sinh hoạt tối thiểu trong gia đình, một phần mua quà tặng họ hàng và một số bạn hữu thân thiết.

Số tiền còn lại tương đương 27 triệu đồng tiền Việt Nam lúc bấy giờ. Đây là một khoản tiền rất lớn, trị giá hàng chục ngôi biệt thự vào thời điểm đó, Nguyễn Sơn ngỏ ý với  Hằng Huân muốn hiến cho Nhà nước…

Ngay sau khi Tướng Nguyễn Sơn qua đời, việc đầu tiên Hằng Huân làm là về nhà tìm tấm ảnh của Trần Kiếm Qua – Bức ảnh duy nhất mà Kiếm Qua tặng Hồng Thủy. Lúc khâm liệm, Hằng Huân đã đặt tấm ảnh của Kiếm Qua lên phía ngực trái của chồng…

Sau tang lễ, Hằng Huân đã cầm bọc tiền 27.000 tệ lên trao lại cho đại diện Nhà nước ta. Đồng chí đại diện đã đưa lại cho Hằng Huân một giấy biên nhận. Hằng Huân thưa rằng, đây là tình cảm chân thành của vợ chồng mình đối với đất Mẹ, xin phép được hủy tờ giấy biên nhận này để tỏ lòng vô tư, chân thật.

Sau khi cùng chồng, con từ Trung Quốc trở về Việt Nam, Hằng Huân đón Mai Lâm về nuôi tại biệt thự đầu phố Lý Nam Đế. Mấy năm sau, khi cuộc sống đã ổn định, năm 1959, Lê Hằng Huân đã giao lại ngôi biệt thự trên cho Nhà nước và bồng bế con cái về ở nhà cha đẻ tại ngõ Trúc Lạc.

Trong những ngày cuối cùng của đời mình, Tướng Nguyễn Sơn đã viết một bức thư. Nội dung bức thư ấy là gì và ai là người nhận?

(Còn nữa, xem tiếp kỳ sau: trên Tiền Phong số 277 ra ngày thứ Ba)

MỚI - NÓNG