Có thể Ủy ban Tư pháp vào cuộc

Có thể Ủy ban Tư pháp vào cuộc
TP - Hôm qua, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, bà Lê Thị Thu Ba cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội rất quan tâm và đang chờ ý kiến của TAND tối cao và VKSND tối cao, sau đó ủy ban có thể lập đoàn giám sát về vụ án xảy ra tại Nông trường Sông Hậu.

Thưa bà, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam vừa có văn bản gửi lãnh đạo các cơ quan pháp luật T.Ư  đề nghị xem xét vụ án ở Nông trường Sông Hậu và việc truy tố bà Trần Ngọc Sương, quan điểm của Ủy ban ra sao về vụ án này?

Ủy ban Tư pháp rất quan tâm, chúng tôi vẫn theo dõi sát tiến trình giải quyết vụ án này. Đề nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ bước đầu xuất phát từ dư luận xã hội, nhân thân của chị Sương. Nhưng đối với các cơ quan tư pháp thì phải đọc hồ sơ mới có thể quyết định được.

Chúng tôi sẽ xem xét xem có cơ sở để kháng nghị hay không. Ủy ban đang chờ TAND tối cao và VKSND tối cao bởi hai cơ quan này hiện đang nghiên cứu kiến nghị của MTTQ Việt Nam. Nếu tòa và viện đều nói không có cơ sở để xem xét kiến nghị này thì chúng tôi sẽ vào cuộc.

Cụ thể Ủy ban Tư pháp sẽ vào cuộc như thế nào, thưa bà?

Chúng tôi sẽ xem xét trả lời của tòa, viện về vấn đề này đã chặt chẽ, chính xác chưa. Nếu như tòa, viện trả lời là không đủ cơ sở kháng nghị, mà dư luận vẫn bức xúc, nhận thấy việc trả lời của hai cơ quan này chưa chặt chẽ, xem xét chưa thận trọng, khi đó chúng tôi sẽ xem hồ sơ và tham gia vào quá trình này. Qua xem xét hồ sơ nếu thấy rằng có dấu hiệu sai sót thì có thể chúng tôi sẽ thành lập đoàn giám sát để tiến hành làm rõ.

Trong vụ án cụ thể này, thì thời gian để Ủy ban Tư pháp có thể vào cuộc là bao lâu, thưa bà?

Vấn đề là xem tòa, viện trả lời khi nào. Bởi cả Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao đều có quyền kháng nghị. Chúng tôi sẽ theo dõi, nếu hai cơ quan này chậm trả lời, trong khi dư luận vẫn bức xúc, thì chúng tôi sẽ có văn bản đôn đốc, nhắc nhở.

Nhưng hiện nay dư luận đã bức xúc rồi, thưa bà?

Có thể Ủy ban Tư pháp vào cuộc ảnh 1
Bà Lê Thị Thu Ba

Chúng ta phải bình tĩnh. Bởi tự nhiên Ủy ban vào cuộc thì không trân trọng các đồng chí bên tòa, viện tối cao. Hiện hai cơ quan này chưa xem, bởi vụ án mới ở cấp dưới. Ủy ban MTTQ đã có ý kiến, chắc chắn hai cơ quan này phải có ý kiến.

Theo trình tự, thường là gần hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, mà các cơ quan chưa xem xét trả lời thì là chậm. Nhưng hiện nay lại không có quy định thời gian kháng nghị giám đốc thẩm. Bởi đây thực chất là giai đoạn phá án chứ không còn là trình tự, thủ tục theo hai cấp xét xử nữa. Án phúc thẩm là đã có hiệu lực thi hành, còn án giám đốc phẩm là khi có vi phạm mới kháng nghị phá án đó để xử lại.

Dư luận đang bức xúc về vụ án này, theo bà thời gian bao lâu mà chưa kháng nghị là chậm?

Phải có thời gian 2 - 3 tháng, Bởi khi nhận được kiến nghị, thì phải chờ tòa án hoàn thiện hồ sơ. Sau đó, họ mới chuyển hồ sơ cho tòa, viện tối cao.

Khi rút hồ sơ về, còn tùy theo mức độ hồ sơ nhiều hay ít. Có hồ sơ vụ án nhiều phải kéo bằng xe tải nên không thể nói thế nào là nhanh hay chậm được. Trong thời gian này, nếu chị Sương sức khỏe không tốt có thể làm đơn xin hoãn thi hành án, kèm theo bệnh án cụ thể làm căn cứ. Chờ khi sức khỏe ổn định thì thi hành án.

Những việc chị Sương làm được là đáng trân trọng

Cùng là phụ nữ, có điều gì đặc biệt ở vụ án này mà bà lưu tâm?

Chúng tôi rất quan tâm. Bởi chị Sương được bà con ở Nông trường Sông Hậu rất ủng hộ. Đó là một phụ nữ dám đương đầu với khó khăn để xây dựng nông trường và giúp đỡ cho bao nhiêu thành viên của nông trường này.

Tôi cho rằng, những việc làm được của chị Sương là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, pháp luật quy định rồi, anh làm đúng thì được khen thưởng, có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình. Nếu trước đó, bị cáo có thành tích thì phải xem đó là tình tiết giảm nhẹ. Khi xử chúng ta phải xem xét để đảm bảo đúng với chính sách hình sự.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bày tỏ, quỹ tại Nông trường Sông Hậu không thể gọi là quỹ đen mà là quỹ đời sống, bà nghĩ sao về nhận định này?

Ý kiến của cô Bình như vậy. Nhưng đối với các cơ quan tư pháp thì việc truy tố phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Cần làm rõ xem các nông, lâm trường được lập những quỹ gì, quỹ có đúng pháp luật không. Nói quỹ đen hay không quỹ đen chỉ là ngôn từ, các cơ quan thi hành pháp luật chỉ căn cứ là quỹ đó có trái pháp luật hay không?

Năm 2007, lãnh đạo Thành ủy cần Thơ từng yêu cầu Giám đốc Nông trường Sông Hậu nghỉ hưu để được “hạ cánh an toàn”, bởi thành phố đang muốn lấy đất nông trường để làm khu đô thị mới, bà nghĩ sao trước thông tin này?

Đấy chỉ là thông tin từ báo chí. Còn hành vi trái pháp luật thì việc nghỉ hưu không liên quan gì. Không phải nghỉ hưu rồi thì không đưa ra truy tố trước pháp luật. Thực tình là tôi chưa xem hồ sơ vụ này, thông tin báo chí đưa vậy nhưng chưa rõ thực chất vấn đề như thế nào.

Cám ơn bà. 

 Hà Nhân ghi

MỚI - NÓNG