Có thể ngộ độc khí tại ao, giếng trước khi bị đuối nước

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết trên thực tế đã có rất những trường hợp ngộ độc khí tự nhiên như khí Metan NH4, Hyđro sunfua H2S trong các ao tù, giếng đọng lâu ngày sau đó nạn nhân tiếp tục bị sặc nước và suy hô hấp nặng thêm....

Thời gian gần đây, nhiều tai nạn đuối nước đã cướp đi sinh mạng của nhiều người: người lớn và trẻ nhỏ đuối nước; người không biết bơi và người biết bơi cũng đuối nước; đuối nước ở sông sâu và đuối nước trong ao cạn, rồi đuối nước ngay cả trong bồn tắm gia đình…

Để cung cấp cho cộng đồng những kiến thức và kỹ năng cơ bản để phòng chống đuối nước hiệu quả, chiều 11/7/2017, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức buổi hội thảo truyền thông giáo dục sức khỏe với chủ đề “Tư vấn phòng - chống đuối nước và các vấn đề liên quan”.

Theo TS. BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, trước hết chúng ta cần hiểu đúng về bản chất của đuối nước: là tình trạng nạn nhân bị suy hô hấp do phổi bị ngạt nước, mũi và miệng của họ chìm trong nước hoặc bất cứ chất lỏng nào khác – nhiều khi bùn, đất, dị vật tràn cả vào đường thở. Bác sỹ Chính nhấn mạnh: “Nhiều người lầm tưởng: khi đuối nước nạn nhân sẽ vùng vẫy, kêu cứu ầm ĩ. Nhưng trên thực tế, nạn nhân lại thường nhanh chóng bị suy hô hấp một cách rất “nhẹ nhàng, êm dịu” do mọi người xung quanh không để ý, thậm chí ngay cả khi có bạn bè và gia đình đang ở gần”.

Theo bác sỹ Chính, để cứu nạn nhân đuối nước thì người cứu bắt buộc phải biết bơi – đó là năng lực cơ bản, kèm theo những kỹ năng khác – phải đảm bảo an toàn cho bản thân mới hy vọng cứu được người khác. Ví dụ: ở vùng nước sâu, xoáy, chảy mạnh thì dù biết bơi mà chỉ có 1 mình cũng không nên nhảy xuống cứu mà nên kêu cứu để có sự trợ giúp của nhiều người, hoặc dùng dây quẳng xuống cho nạn nhân nắm lấy rồi kéo vào hay dùng gậy – móc kéo vào áo, quần nạn nhân lôi vào nơi an toàn hơn.

Cả khi nhảy xuống cứu cũng nên tiếp cận với nạn nhân từ đằng sau, túm áo, tóc để đưa họ vào bờ, không để nạn nhân hoảng loạn bám và kéo dìm người cứu xuống, khiến cả hai nguy hiểm… Sau khi đưa nạn nhân đuối nước lên bờ, ngay lập tức cần kiểm tra việc thở của nạn nhân. Nếu còn thở, đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn, quan sát nhịp thở và gọi cấp cứu;

Nếu nạn nhân không đáp ứng hoặc không thở, cần thực hiện hà hơi thổi ngạt khẩn trương. Sau 5 lần thổi ngạt thì tiến hành hồi sinh tim phổi: 30 lần ép ngực - 2 lần thổi ngạt. Tiến hành hồi sinh tim phổi cho tới khi có được sự trợ giúp hoặc nạn nhân đã có đáp ứng. Khi nạn nhân bắt đầu thở trở lại tại bất cứ thời điểm nào, tiến hành khắc phục tình trạng hạ thân nhiệt bằng cách bao phủ lên người nạn nhân áo, chăn ấm và bất kỳ thứ gì có thể. Nếu nạn nhân hồi phục hoàn toàn, thay quần áo ướt và tiếp tục kiểm tra hô hấp, mạch và mức độ ý thức cho tới khi có sự trợ giúp tới để vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Xung quanh vụ đuối nước thương tâm tại Sở Hạ - Thanh Trì khiến 5 người tử vong, trước thông tin liệu các nạn nhân có thể bị ngạt khí độc gây tử vong trước khi bị đuối nước hay không? Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết; chưa thể khẳng định chắc chắn điều này, phải đợi kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, thực tế đã có rất những trường hợp ngộ độc khí tự nhiên như khí Metan NH4, Hyđro sunfua H2S trong các ao tù, giếng đọng lâu ngày sau đó nạn nhân tiếp tục bị sặc nước và suy hô hấp nặng thêm....

Mỗi loại khí có những tác động khác nhau lên cơ thể người, nhìn chung, biểu hiện thường thấy là: nhức đầu, tức ngực, buồn nôn, chóng mặt, nặng hơn là rối loạn ý thức, co giật, hôn mê, suy hô hấp… Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, khí độc sẽ gây thiếu máu lên não, tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn hệ hô hấp và dẫn đến tử vong. Đặc biệt, trong tình huống ngộ độc khí dưới nước, nếu nạn nhân không được vớt lên nhanh chóng thì tình trạng ngạt nước lại càng khó tránh khỏi.

Bác sỹ Nguyên khuyến cáo: khi phát hiện người bị ngộ độc khí trên cạn, cần bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các bước sau đây:

  1. Mở hết tất cả các cửa (nếu là phòng kín), đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc. Lưu ý, người cấp cứu nạn nhân phải chú ý đảm bảo an toàn cho bản thân, trước khi tham gia cứu nạn -  đặc biệt với việc cứu nạn ngạt khí dưới nước;
  2. Nếu nạn nhân còn tỉnh, nên để nạn nhân nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí. Hà hơi, thổi ngạt nếu nạn nhân thở yếu hoặc có dấu hiệu ngừng thở;
  3. Gọi cấp cứu, nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Bác sỹ Nguyên lưu ý, khí độc trong tự nhiên thường tồn tại ở những nơi ao tù nước đọng, hầm hào yếm khí, hang hốc, giếng nước tù đọng lâu ngày... để tránh ngộ độc khí trong tự nhiên, chúng ta nên tránh xa những nơi này, tuyệt đối không bơi lội, tắm ở những nơi ao tù, nước đọng lâu ngày dù nước rất cạn cũng tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường. 

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.