Các điều kiện cần thiết được nhắc đến bao gồm công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng, vấn đề pháp lý, quy định về an toàn và nguồn nhân lực.
“Việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận sẽ phụ thuộc rất nhiều vào công tác chuẩn bị dù theo tiến độ được Quốc hội phê duyệt thì đến năm 2014, Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Nếu công tác chuẩn bị không được tốt, chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện thì chúng tôi chắc chắn cũng không ủng hộ việc khởi công đúng tiến độ”, ông Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nói.
Thiếu nhiều
Theo ông Đoàn Thế Vinh, Vụ Nhiệt điện & Điện Hạt nhân, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, cơ sở hạ tầng hạt nhân ở Việt Nam thiếu khá nhiều, nhất là chuyên gia kỹ thuật, tài chính trình độ cao, cơ sở đào tạo đạt yêu cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, khó khăn trong tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân chủ yếu do chính sách. Các chính sách đối với người đi học, người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân vẫn chưa được công khai, chưa tạo được động lực để thu hút.
Theo GS Cao Chí, nghiên cứu viên cao cấp ở Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, các chuyên gia cao cấp về điện hạt nhân sau khi tốt nghiệp đại học cần được đào tạo ở nước ngoài 5-7 năm, sau đó làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân 3-5 năm.
Nghĩa là họ phải được đào tạo trong vòng 8-12 năm. Ngoài ra, mỗi nước phải có những cán bộ đầu đàn được đào tạo khoảng 10-15 năm để hoạch định chính sách.
Theo tiêu chí ấy, GS Cao Chí cho rằng, đội ngũ chuyên gia cao cấp về hạt nhân ở Việt Nam “chưa có hoặc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đến năm 2020 sẽ rất khó để chúng ta có được đội ngũ nhân lực như mong muốn”.