Có thể không bao giờ tìm ra nguồn gốc COVID-19

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP
TPO - Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chuẩn bị đưa nhóm chuyên gia đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19, các nhà khoa học có kinh nghiệm về điều tra virus nói rằng công cuộc tìm kiếm này có thể mất nhiều năm và dẫn đến kết luận không chắc chắn. 

Một nhóm chuyên gia của WHO dự kiến sẽ đến gặp các quan chức y tế Trung Quốc vào cuối tuần này để xác định các thông số cho nhiệm vụ quốc tế. Nhưng một trở ngại chính là thời điểm truy tìm con đường lây lan của virus khi đại dịch đã bắt đầu từ 6 tháng trước ở miền trung Trung Quốc. 

Những câu hỏi như bằng cách nào, từ đâu và khi nào dịch bệnh bắt đầu tấn công con người vẫn là bí ẩn chưa được giải đáp. 

 Có một sự đồng thuận là Sars-CoV-2, virus gây đại dịch COVID-19, có thể đến từ dơi. Nó có thể tấn công động vật khác, thay đổi cấu trúc gien rồi sau đó tấn công con người. Khi đã vào được người, nó được mang đi khắp các tàu, xe buýt và máy bay để gây bệnh cho thế giới khi con người ho và hít thở.

 Dù việc tìm ra con đường chính xác mà virus xâm nhập vào con người có thể là nhiệm vụ bất khả thi, việc điều tra sẽ giúp các nhà khoa học xây dựng các giả thuyết mạnh hơn, ông David Heymann, giáo sư ngành dịch tễ bệnh truyền nhiễm tại Trường vệ sinh và y học nhiệt đới London, cho biết. 

“Những giả thuyết đó sẽ phục vụ các nghiên cứu trong tương lai vì làm rõ những điều bạn quan tâm”, ông Heymann, chủ tịch nhóm tư vấn khoa học kỹ thuật về dịch bệnh truyền nhiễm của WHO, giải thích. 

Tìm ra loài động vật mang virus có gien phù hợp với virus trong những bệnh nhân COVID-19 ban đầu sẽ là con đường thẳng nhất để xác định nguồn gốc dịch bệnh, nhưng ở thời điểm khi dịch bệnh đã bắt đầu từ hơn nửa năm trước khiến chiến lược này khó khả thi. 

Virus có thể không còn ở động vật đó nữa. Ngay cả ở dơi, virus có thể chỉ có mặt ở thời điểm nào đó, khiến cơ hội điều tra bị bỏ lỡ, bà Wanda Markotter, giám đốc Trung tâm nghiên cứu virus tại ĐH Pretoria ở Nam Phi, giải thích. 

Giả thuyết ban đầu là virus từ động vật tại một khu chợ dân sinh ở TP Vũ Hán tấn công người. Một số bệnh nhân đầu tiên được xác định đã làm hoặc đến chợ này mua đồ ăn. Nhưng giả thuyết này bị nghi ngờ khi các quan chức của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc nói rằng họ không tìm thấy virus trong các mẫu phẩm thu thập từ khu chợ. 

Tiếp cận với những kết quả nghiên cứu đó có thể là một phần công việc của nhóm chuyên gia WHO, bà Markotter cho biết. “Số liệu đó cần được công khai để mọi người thực sự hiểu ý nghĩa của nó là gì. Tôi nghi ngờ nghiên cứu đó không dựa trên dữ liệu tốt, tôi không nghĩ ai đó đang che giấu điều gì”, bà nói.

Thời điểm tốt nhất cho việc truy tìm nguồn bệnh từ động vật là từ 6-12 tháng trước khi dịch bệnh bùng lên, giáo sư Gavin Smith, công tác tại chương trình các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke, ĐHQG Singapore, cho biết. 

Tổ chức Thú y thế giới tại Paris nói rằng các nhà nghiên cứu thú y ở Trung Quốc năm ngoái đã lấy mẫu xét nghiệm từ nhiều động vật, bao gồm gia cầm, mèo, chó và lợn. 

Các xét nghiệm ở Trung Quốc phát hiện Sars-CoV-2 tương tự virus từ tê tê, nhưng không đủ gần để kết luận đó là tổ tiên của Sars-CoV-2. Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ virus bắt nguồn từ dơi móng ngựa sau khi thấy gien của chúng giống nhau 96%, nhưng cũng chưa đủ để kết luận chúng có quan hệ trực tiếp. 

Một thách thức khác là không xác nhận được “bệnh nhân số 0”, tức là người đầu tiên nhiễm virus, để từ đó có thể tìm ra mối liên hệ với động vật. 

Các nghiên cứu ở châu Âu gợi ý rằng virus đã hiện diện từ cuối năm ngoái, sớm hơn nhiều so với thời điểm số ca bệnh bùng lên. Còn các quan chức y tế Trung Quốc lại cho rằng công cuộc điều tra nguồn gốc virus cần được tiến hành ở nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng tại nước này.

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG