Có thể chuyển phát hồ sơ xét tuyển đại học qua Bưu điện

TPO - Bưu điện Việt Nam sẽ thực hiện việc chuyển phát hồ sơ kèm lệ phí xét tuyển, hồ sơ xác nhận nguyện vọng học trên tất cả các bưu cục, nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, tiền bạc, thời gian cho các thí sinh, nhất là tại vùng sâu, vùng xa.

Để thực hiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (HSXT) qua đường Bưu điện, thí sinh, phụ huynh đến bưu cục có kết nối Internet bất kỳ để cung cấp thông tin đăng ký xét tuyển và nộp hồ sơ đăng ký, lệ phí xét tuyển (nếu có).

Bưu điện chấp nhận và gửi hồ sơ xét tuyển của thí sinh tới các trường ĐH, CĐ, TC theo yêu cầu của thí sinh, đồng thời thanh toán tiền lệ phí xét tuyển của trường được thu qua Bưu điện.

Tùy theo nhu cầu gửi, thí sinh có thể lựa chọn dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS) hoặc chuyển đảm bảo đến các trường ĐH, CĐ, TC. Cước chi trả đối với gói dịch vụ này là 30.000 đồng/hồ sơ. Những bưu phẩm gửi phục vụ xét tuyển sẽ được đóng dấu nhận biết riêng và được ưu tiên xử lý nhanh chóng, chính xác, an toàn tại tất cả các khâu khai thác, vận chuyển và phát trả.

Bưu điện Việt Nam cũng lưu ý, với việc xác nhận nguyện vọng học đợt 1 theo hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (kết thúc trước 17 giờ 00 ngày 07/8/2017), trong ngày cuối cùng nhận hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Bưu điện gửi trước thông tin thí sinh đăng ký nguyện vọng học qua Bưu điện bằng file dữ liệu.

File dữ liệu này là cơ sở để các trường thực hiện tổng hợp danh sách thí sinh xác nhận có nguyện vọng học tại trường. Hồ sơ gốc của thí sinh sẽ được phát trả tại trường chậm nhất là 1 ngày sau khi đăng ký gửi qua đường bưu điện.

Tuy nhiên đối với tất cả đợt đăng ký xét tuyển, các đợt xác nhận nguyện vọng học khác, thời gian phát trả hồ sơ gốc của thí sinh phải theo đúng quy định về thời hạn nhận hồ sơ của từng trường. Do đó thí sinh, phụ huynh không nên để đến ngày cuối cùng mới gửi hồ sơ xét tuyển, hồ sơ xác nhận nguyện vọng học để đảm bảo việc phát hồ sơ đến nhà trường được kịp thời.