Có thể bán gạo trực tiếp sang khu vực Trung - Tây Phi

Có thể bán gạo trực tiếp sang khu vực Trung - Tây Phi
TP - Sau ba ngày làm việc, cuộc gặp gỡ giữa các nhà mua, bán gạo tiểu vùng Mêkông và khu vực Trung - Tây Phi (CEMAC/EUMOA) đã kết thúc chiều qua, 27/11 với nhiều hứa hẹn.
Có thể bán gạo trực tiếp sang khu vực Trung - Tây Phi ảnh 1
Ảnh minh họa

Có hai hợp đồng mua bán gạo đã được ký kết giữa DN Việt Nam và hai nước Tchad và Congo, với tổng giá trị 1,4 triệu USD.

“Mặc dù kết quả cụ thể còn khiêm tốn, nhưng đã mở ra rất nhiều triển vọng, cơ hội cho DN ba  khu vực Mêkông, CEMAC/EUMOA” - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Huỳnh Minh Huệ đánh giá.

Ban tổ chức cho biết có trên 200 cuộc tiếp xúc song phương giữa các DN xuất khẩu gạo tiểu vùng Mêkông với các nhà nhập khẩu CEMAC/EUMOA.

Những cản ngại lớn mà các nhà xuất nhập khẩu gạo khu vực Mêkông và CEMAC/EUMOA đã và đang gặp phải là chưa có sự kết nối trực tiếp giữa bên mua và bán; phương thức thanh toán, chi phí vận tải, bảo hiểm hàng hóa, thiếu thông tin về nhau…

Theo ông Huệ, thành công lớn nhất của cuộc gặp gỡ này là các nhà xuất khập khẩu ba khu vực Mêkông và CEMAC/EUMOA đã có sự kết nối trực tiếp và bước đầu hiểu biết lẫn nhau.

Ông Huệ cũng cho rằng, về vấn đề thanh toán, để giải quyết khó khăn do các DN CEMAC/EUMOA không có điều kiện mở L/C (tín dụng thư) theo thông lệ quốc tế, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã tính đến giải pháp thành lập các kho chứa tại khu vực CEMAC/EUMOA để từ đó bán trực tiếp cho thị trường này thay vì ký hợp đồng xuất nhập khẩu.

Theo kế hoạch, hôm nay (28/11) đoàn doanh nghiệp CEMAC/EUMOA sẽ đi tham quan và tìm hiểu cơ hội hợp tác tại tỉnh Tiền Giang. Doanh nghiệp của đất nước Tchad cho biết sẽ tiếp tục xúc tiến việc mua bán với Việt Nam sau khi đi tham quan tìm hiểu tại Tiền Giang.

Để tránh những rắc rối trong thanh toán, các chuyên gia còn đề xuất một khả năng hàng đổi hàng, như đổi gạo lấy gỗ, bông vải…Tuy nhiên, ông Huệ lưu ý, muốn giải quyết được những khó khăn này thì không còn cách nào khác là DN giữa các khu vực phải quan hệ hợp tác sâu hơn chứ không chỉ đơn thuần là quan hệ mua bán theo từng thương vụ.

Ông Tharcisse Urayeneza-Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững và đoàn kết, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF)- một trong những đơn vị đứng ra tổ chức cuộc gặp này- khuyên DN các nước đẩy mạnh quan hệ trong cũng như ngoài khu vực, đặc biệt là các quan hệ thương mại.

Ông cũng “mách nước” doanh nghiệp CEMAC/EUMOA nên “lôi kéo” các ngân hàng đầu tư và phát triển đủ năng lực, điều kiện ở châu Phi tham gia vào cuộc chơi, tạo thuận lợi cho việc thanh toán của doanh nghiệp. Cố vấn Bộ Thương mại Senegan cũng đề nghị DN các nước tăng cường trao đổi thông tin thương mại, kinh tế.

Không chỉ trong lĩnh vực mua bán gạo, cuộc gặp này còn giúp DN các nước ba khu vực Mêkông, CEMAC/EUMOA mở ra những cơ hội hợp tác làm ăn mới, ngoài mong đợi như xuất nhập khẩu bông vải, hạt điều, máy móc thiết bị xay xát chế biến gạo, cây con giống, thậm chí cả giáo dục.

“Cuộc gặp gỡ thật hữu ích”- một DN đến từ đất nước nhỏ bé Tchad thốt lên. Ông là một trong hai doanh nhân đã tiến hành ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam ngay tại cuộc gặp này.  

MỚI - NÓNG