Sơ kết 9 tháng hoạt động thí điểm của Ban ATTP, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng BQL ATTP TPHCM cho biết, còn quá nhiều khó khăn và vướng mắc để Ban hoạt động hiệu quả.
Theo BQL ATTP, vụ 4.000 con heo ở lò mổ Xuyên Á bị tiêm thuốc an thần như một bài học về sự phối hợp giám sát, quản lý của ngành chức năng. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng mỗi nơi quản lý một công đoạn của thực phẩm, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Đơn cử như Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh cắt khâu ATTP và kiểm dịch ra thị trường giao cho Ban ATTP quản lý; còn khâu kiểm dịch thực phẩm từ bên ngoài vào thành phố và giết mổ thì vẫn do ngành nông nghiệp đảm trách. Điều này rất khó quản lý cho cả hai đầu.
Bà Phong Lan kiến nghị Sở Công Thương thành phố bàn giao lại đề án quản lý truy xuất nguồn gốc thịt heo về cho Ban; Sở NN&PTNT thành phố bàn giao công tác quản lý giết mổ về Ban. “Đây sẽ là giải pháp góp phần tránh được tình trạng heo tiêm thuốc an thần, thịt giết mổ ra lại bị nhiễm vi khẩn Ecoli do điều kiện không hợp vệ sinh” – bà Lan cho hay.
Quy về một mối
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM cho rằng, việc kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm, quản lý nhà nước không chỉ dừng lại ở quản lý công đoạn giết mổ mà còn phải quản lý dịch tễ của động vật sống, đánh giá chất lượng đàn giống phục vụ phát triển ngành chăn nuôi. Đây thuộc chức năng nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cũng đồng ý giao lại đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo cho BQL ATTP. Theo đó, Sở chỉ bàn giao dữ liệu và hướng dẫn cho Ban về cách thực hiện; còn con người thì không bàn giao vì đều là kiêm nhiệm.
Đánh giá về BQL ATTP, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, sẽ còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Chẳng hạn, khâu phối hợp giữa ba bên liên quan là Ban ATTP, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương… vừa qua cho thấy không hiệu quả. Đơn cử như vụ 4.000 con heo “an thần”, nếu không phát hiện, tiêu hủy kịp thời thì số heo này sẽ lên hết trên bàn ăn, rất khủng khiếp. Cần phải có giải pháp tăng cường quản lý hiệu quả hơn. Vì lợi ích cá nhân mà đạp lên tất cả thì phải xử lý nghiêm. Ông Phong yêu cầu BQL ATTP cùng các sở, ngành phải quản lý chặt chẽ ATTP. Nhất là quản lý các KCX-KCN, tuyệt đối không để ngộ độc xảy ra. Đồng thời, phải có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hơn nữa ở các bếp ăn trường học.
“Chính phủ ủng hộ mạnh mẽ việc thí điểm hoạt động của BQL ATTP của thành phố. Tuy mới hoạt động 9 tháng, nhưng đã có hiệu quả tốt trong việc kiểm soát ATTP, cung ứng chuỗi thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn… Còn gì cấp thiết hơn là an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, thành phố đáng sống thì chất lượng thực phẩm cũng phải an toàn, xanh, sạch” - ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Trước phản ứng của các nhà đầu tư về việc cho phép sự tồn tại của lò mổ thủ công, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban ATTP thành phố cho biết: “Trong khi phản ứng thì chúng ta thấy có lò mổ hiện đại, công nghiệp nào được xây dựng chưa, toàn là kế hoạch? Cái này Sở NN&PTNT phải trả lời cho thành phố vì làm quá chậm. Còn nói lò mổ thủ công không an toàn, có ai dám tin chắc các lò mổ công nghiệp, hiện đại nếu hoạt động thì không thể xảy ra chuyện như lò mổ Xuyên Á hay không?”.