Cô sinh viên nghèo khát khao tìm lại người thân

Bạn đọc động viên, giúp đỡ Phạm Thị Bích (ngoài cùng bên phải) tại báo Tiền Phong Ảnh: K.N
Bạn đọc động viên, giúp đỡ Phạm Thị Bích (ngoài cùng bên phải) tại báo Tiền Phong Ảnh: K.N
TP - Sinh ra trong gia đình có bốn anh chị em thì hai người bị bố đem bán lấy tiền uống rượu, Phạm Thị Bích (SN 1992, trú tại xóm 2, Hưng Xuân, Hưng Nguyên, Nghệ An) khiến nhiều người nể phục khi em vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực để thi đỗ vào Học viện hành chính Quốc gia Hà Nội.

>> Số phận nghiệt ngã của nữ sinh nghèo học giỏi

Bạn đọc động viên, giúp đỡ Phạm Thị Bích (ngoài cùng bên phải) tại báo Tiền Phong Ảnh: K.N
Bạn đọc động viên, giúp đỡ Phạm Thị Bích (ngoài cùng bên phải)
tại báo Tiền Phong. Ảnh: K.N.


Những tấm lòng giúp đỡ, sẻ chia

Chị N.T.H (Bà Triệu, Hà Nội) đã tới Toà soạn nhận giúp đỡ Bích mỗi tháng 2 triệu đồng trong suốt thời gian học đại học. Thấy Bích gặp khó khăn trong việc thuê trọ, một người họ hàng của chị H., nhà ở gần Học viện Hành chính Quốc gia Hà Nội đã nhận Bích về ở cùng.

Thấy chị H. có ý định tặng thêm mình chiếc xe đạp để hằng ngày đến trường, Bích không dám nhận và nói: “Ở nơi đó cách trường có một cây số, cháu đi bộ được. Hiện nay chỗ cháu trọ cách trường bốn cây số mà hằng ngày cháu vẫn đi bộ”.

Qua trò chuyện, mới biết sở dĩ Bích không muốn nhận chiếc xe đạp phần vì ngại nhận thêm nữa sự giúp đỡ của chị H., phần vì nếu đi xe đạp đến trường thì lại mất tiền gửi xe. “Đối với em, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm là rất lớn. Nhưng em sẽ tiết kiệm từng đồng số tiền này trong mọi khoản chi tiêu để duy trì việc học tập và gửi về cho bà nội ở nhà. Bà em nay đã ngoài tám mươi tuổi rồi, sức khoẻ ngày một kém mà lại phải ở nhà một mình”- Bích nói.

Chị B.T.K.N (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cũng liên hệ với Tiền Phong để gặp Bích. Khi biết Bích tới Toà soạn để nhận sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chị N. đến ngay. Gặp cô tân sinh viên có dáng người nhỏ nhắn và gương mặt dễ thương này, chị N. tâm sự: “Cô có con gái bằng tuổi cháu, năm nay cũng thi đỗ đại học. Nhưng ở hoàn cảnh của cháu mà nỗ lực vươn lên như vậy, cô rất cảm phục”. Chị gửi tặng Bích 2 triệu đồng và nói: “Trong quá trình học, nếu có khó khăn gì cứ điện thoại cho cô”.

Anh Vũ Việt Thanh, công tác tại Chi cục Thuế huyện Gia Lâm gửi tặng Bích 1 triệu đồng. Tổng giám đốc một Cty cũng gọi điện tới Toà soạn, nói mình phải đi công tác gấp, ít ngày nữa trở về sẽ giúp đỡ Bích...

Muốn tìm anh trai, chị gái

Bích cho hay một trong những động lực giúp cô vươn lên là tâm nguyện được trưởng thành hơn, có cơ hội tìm anh trai, chị gái đã bị bố bán đi. Bích nói:“Khi lớn lên đã hiểu biết một chút, những điều bà nội thỉnh thoảng kể lại về hoàn cảnh gia đình không lúc nào rời xa tâm trí em”. Bích cho biết, lúc em và người chị song sinh của mình sinh ra thì bố đã nghiện rượu nặng.

Có lần say quá, bố đã cắp hai chị em ra khỏi nhà rồi quẳng người chị gái xuống ruộng khoai của nhà, còn Bích thì để nằm giữa đường. May mà sau đó bà nội Bích kịp chạy đến và bồng Bích lên. Vài tháng sau sự cố trên, bố Bích đã bán con gái Phạm Thị Lan (lúc này chưa tròn một năm tuổi) cho một người hiếm muộn ở Hà Tĩnh. Bà nội và mẹ Bích sau đó biết chuyện, nhưng không thể chuộc lại vì gia đình lúc đó quá nghèo, có đưa được Lan về cũng chẳng nuôi nổi.

“Ngày 28-9-1993, bố em bán tiếp con trai mình là Phạm Văn Điệp, lúc đó mới 5 tuổi cho một người ở Cửa Lò. Bà em không thể quên ngày đó và nói lại cho chúng em. Bà còn kể, lúc bị bán anh Điệp tuy mới 5 tuổi, nhưng chắc chắn nhớ tên cả bố lẫn mẹ là Phạm Văn Hùng và Phan Thị Thanh”- Bích cho biết.

Sở dĩ Bích kể thêm những thông tin trên để hy vọng rằng anh chị mình hoặc ai đó biết việc này sẽ thông tin cho cô và gia đình biết để mọi người có cơ hội gặp nhau.

MỚI - NÓNG