Cô 'sinh viên già' nuôi bốn con vào đại học

Cô 'sinh viên già' nuôi bốn con vào đại học
TP - 34 tuổi mất chồng, 36 tuổi bắt đầu bước chân vào giảng đường làm sinh viên, hai năm sau trở thành cô giáo, rồi một tay nuôi bốn đứa con học đại học...

Nghị lực vượt lên số phận thay đổi cuộc sống của cô giáo Lưu Thị Sương khiến người dân trong huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ai nấy đều nể phục.

Giấc mơ muộn mằn

Cô 'sinh viên già' nuôi bốn con vào đại học ảnh 1
Chị Lưu Thị Sương (hàng đầu bên phải) cùng các đồng nghiệp ở trường Tiểu học Cẩm Duệ

Lấy chồng từ năm 19 tuổi, khi thi trượt Đại học Vinh lần thứ nhất, giã từ giấc mơ sinh viên, chị cùng chồng bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Tuy cuộc sống ruộng đồng vất vả, lại thêm nghề xay lúa, máy may, chăn nuôi lợn nhưng chị thấy thật hạnh phúc bên người chồng hết mực thương yêu cùng 4 đứa con ngoan ngoãn.

Thế nhưng, cuộc đời bất công đã vội vàng cướp đi của chị niềm hạnh phúc bình dị ấy khi người chồng đột ngột qua đời không một lời trăng trối, để lại cho chị 4 đứa con thơ dại, đứa lớn nhất mới chỉ học lớp 7, đứa bé nhất học lớp 1. Chống chếnh giữa nỗi đau vô bờ, nhưng rồi vì 4 đứa con chị gạt nước mắt...

Từ đó, một tay chị làm thay hết những công việc mà trước đây vợ chồng cùng làm. “Hồi đó, xay lúa dùng máy nổ cứ mỗi lần có người đến xay là hai mẹ con cùng phải quay máy, tôi quay, đứa con trai 11 tuổi thì kéo. Người ngoài thấy hai mẹ con hì hục mãi mới quay được máy nổ, ai cũng ứa nước mắt”.

Ngày bận rộn với công việc, hằng đêm chị lại vật lộn với ngổn ngang những âu lo. Thế rồi, trong một lần người bạn thân đến chơi chứng kiến cảnh chị vất vả nên đề xuất: “Mi thử đi học bổ túc nghiệp vụ sư phạm đi, trường Tiểu học Cẩm Mỹ đang thiếu giáo viên đấy”.

16 năm rồi không nhìn đến sách vở, học sẽ thế nào”. Tôi băn khoăn, nhưng được  bạn động viên:“Hồi trước tau thấy mi học giỏi mà”, như được tiếp thêm sức mạnh, thế là tôi đi học” - Chị tâm sự.

Đầu buộc khăn tang (lúc đó chồng chị mới mất được một năm) cùng chiếc xe đạp cà tàng, đi 8 cây số mỗi ngày, chị tham gia học lớp giáo viên cấp tốc. Ba tháng học, 8 lần thi 7 lần xếp vị trí thứ hai lớp.

Tháng 9/1995 chị được nhận dạy hợp đồng tại trường Tiểu học Cẩm Mỹ. Nhưng dạy chưa được một năm thì ông hiệu trưởng trường có quyết định không nhận giáo viên hợp đồng nữa. Cuộc đời lại tiếp tục thách thức chị, không thể bỏ dở giữa chừng, vừa dạy chị vừa âm thầm ôn thi.

Hai tháng nghỉ hè của năm 1996, chị lại “cơm nắm cơm đùm” vượt quãng đường 15 km đi ôn thi tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh. Cứ 4 giờ sáng, chị lóc cóc đạp xe đi, 7 giờ tối mới  về nhà trong suốt hai tháng không có một ngày nghỉ.

“May mà lúc đó con cái đang nghỉ hè, chúng tự chăm sóc cho nhau nên tôi mới yên tâm học hành được”- Chị tâm sự. 

Trời đã không phụ công, sự cố gắng của chị đã được đền đáp xứng đáng, đầu tháng 9/1996, chị nhận được thông báo trúng tuyển vào Khoa Tiểu học của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh.

Cầm tờ giấy báo trúng tuyển trên tay chị đã bật khóc. Ước mơ của một thời tuổi trẻ mãi đến bây giờ mới thực hiện được khi mà cuộc đời chị đã phải gánh chịu quá nhiều nhọc nhằn, mất mát.

Cô “sinh viên già”

Ngày đỗ trường cao đẳng, anh em, bạn bè hàng xóm rối rít đến chúc mừng, nhưng không ít người tỏ ra ái ngại cho hoàn cảnh của chị. Ông bà nội thì cản: “Con mà đi học thì các con con sẽ bị chết đói đấy. Ai làm việc để nuôi chúng nó”.

Nghe ông bà nội nói, chị thấy lung lay, lại vật lộn với sự lựa chọn học hay bỏ. Nhưng rồi bốn đứa con xúm lại động viên: “Mẹ cứ đi học đi, chúng con chịu khổ được”.

Ý chí, niềm tin như được thắp thêm lửa, chị quyết định đi học. Ngày chuẩn bị nhập trường, chị bán hai con bò, đong một tấn lúa rồi muối một vại cà làm thức ăn cho con. “Thức ăn thì không có gì ngoài cà nhưng cơm thì không để các con đói”- Chị tâm sự. Hành trang cho ngày nhập trường của chị là chiếc xe mini cô em gái mới mua cho thay cho cái xe đạp cà tàng cũ kỹ.

36 tuổi bước chân vào giảng đường làm sinh viên, giữa một lớp học 50 sinh viên tuổi đời mười tám, đôi mươi, chị tự nhận mình là “cô sinh viên già” của lớp. Mặc dù vậy, sức học của “cô sinh viên già”  không chịu thua kém một ai.

Suốt hai năm học không chịu nghỉ một buổi nào, không một lần phải thi lại, lại còn được nhận học bổng. Ngoài tiền học bổng chị còn được nhận trợ cấp con liệt sĩ (bố chị là liệt sĩ) mỗi năm 1,3 triệu đồng. Cùng một lúc cả năm mẹ con đều đi học. Đó là những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời chị.

Vừa đi học chị vừa nhận 7 sào ruộng để làm, trong chuồng lúc nào cũng nuôi 4 con lợn. Bốn giờ sáng đạp xe 15 km đến giảng đường làm một cô sinh viên chăm chỉ, chiều hối hả ra đồng làm một nông dân lam lũ, tối lại miệt mài bên chồng sách vở.

Cuộc sống cứ quay vòng trong bộn bề những lo toan, vất vả, chị như một con ong cần mẫn, âm thầm nhẫn nhục không một lời than thở. Bây giờ ngồi kể lại những nhọc nhằn của năm tháng qua, mà mặt chị cứ rạng rỡ như kể về một niềm vui.

Hồi đó, để nuôi 4 con lợn một lúc, chị mua 4 cái xô, 3 cái xin đặt ở 3 quán cơm để lấy thức ăn thừa đổ đi, còn một cái buộc sẵn sau giá xe. Sau mỗi buổi học chị lại lòng vòng đạp xe qua 3 quán cơm đó trút 3 xô rác vào đầy một xô rồi chở về cho lợn.

Cứ như thế, trong suốt hai năm chị lúc nào cũng nuôi được lợn bán lấy tiền cho con ăn học. Hai năm đi học, vai trò của một sinh viên trên giảng đường, vai trò của một người mẹ trong một gia đình, chị lúc nào cũng hoàn thành xuất sắc.

Mẹ con cùng học đại học

Tháng 9/1998, chị ra trường khi đã bước sang tuổi 38. Phòng Giáo dục huyện Cẩm Xuyên xét thấy hoàn cảnh chị khó khăn nên đã tạo điều kiện phân cho chị về dạy tại trường Tiểu học Cẩm Duệ- nơi gần nhà.

Nay chị đã là giáo viên, Phó Bí thư chi bộ của trường. Chị thường tâm sự với các con “thà đói bụng chứ không được đói chữ”. Điều hạnh phúc lớn nhất của chị là các con đứa nào cũng chăm ngoan học giỏi.

Năm 2000, Mai - con gái đầu của chị thi đỗ vào trường Sư phạm. Năm 2002  Toàn - con trai thứ hai thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2003, Thắng - con gái thứ ba thi đỗ ĐH Sư phạm Vinh. Năm 2006, Lợi - con trai út thi đỗ vào Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Đối với một gia đình nông dân, nuôi một con học đại học đã vất vả lắm rồi, còn chị năm 2006 cả ba đứa cùng học đại học nên khó khăn chồng chất. Để có tiền cho con ăn học chị không quản ngại vất vả. Vừa dạy học chị vừa làm ruộng, vừa nấu rượu, chăn nuôi lợn. Trong trường hễ ai nghỉ dạy là chị lại xin dạy thay.

Vào các dịp nghỉ hè trong khi các đồng nghiệp khác nghỉ ngơi, đi du lịch thì chị lại liên hệ với Cty thiết bị sách Hà Tĩnh lấy các loại sách từ lớp một đến lớp 10 về bán, rồi đóng vở lấy tiền công. Những đồng tiền cóp nhặt đó đã giúp chị nuôi 4 con ăn học thành tài.

Khi nói về mẹ, Thắng xúc động: “Trong mắt em, mẹ là thần tượng, thật lớn lao, thật cảm phục. Việc gì mẹ cũng làm được, khó khăn nào mẹ cũng vượt qua. Hồi em đỗ đại học, mẹ cười nói: “Các con học đại học mẹ cũng sẽ học đại học”. Tưởng đùa ai ngờ mẹ làm thật.

Năm 2004, mẹ đăng ký học đại học từ xa của Đại học Sư phạm Huế, hè 2007 này hoàn thành”. Thế là trong nhà 5 mẹ con 5 tấm bằng đại học. Có hạnh phúc nào lớn bằng!”.

Giờ đây, ba con lớn của chị đã ra trường có công ăn việc làm ổn định, không có điều kiện ở gần mẹ, thằng út học ở Hà Nội, nhà lại vắng hoe. Nhưng chị Sương luôn thấy hạnh phúc vì các con đã trưởng thành thật rồi, chúng có thể tự lo cho cuộc sống của mình. Mỗi lần mấy mẹ con sum họp bên nhau, tiếng nói, tiếng cười lại giòn tan - yêu thương, hạnh phúc ngập tràn cả căn nhà nhỏ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.