Có sách hay, tự khắc văn hóa đọc đi lên

TP - Ngày hội đọc sách năm 2013 vừa diễn ra hôm qua. Một lần nữa, dư luận lại đặt ra những câu hỏi xung quanh vấn đề văn hóa đọc của người trẻ hiện nay. PGS. TS nhà văn Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tỏ ra lạc quan:

> Bắc Kinh khuyến khích học sinh đọc truyện chưởng
> Nơi học sinh được 'trộm' sách

Chúng ta chưa bao giờ sống trong một thời đại bị phân hóa mạnh như bây giờ. Phân hóa về tất cả các đối tượng, từ người viết cho đến người đọc. Thế nên, không thể nói một cách chung chung là người trẻ bây giờ ít đọc sách. Có một bộ phận giới trẻ đọc ghê lắm, không kém gì chuyên gia. Họ đọc rất hăng say theo định hướng đã vạch ra cho mình. Song song với đó là một bộ phận giới trẻ không đọc gì cả. Mà cái sự phân hóa như thế là tốt chứ không phải là xấu.

Bây giờ người trẻ quan tâm nhiều hơn tới sự đọc để giải trí thay vì đọc để lấy tri thức như xưa. Đây là một quy luật của tiếp nhận tri thức hay là một sự “lệch chuẩn” trong văn hóa đọc?

Đọc để giải trí cũng là một nhu cầu chính đáng đấy chứ?! Trước kia, chúng ta cứ cho rằng đọc phải hướng tới những nhu cầu rất thực dụng kiểu như đọc để lấy tri thức... Coi trọng chức năng giáo dục quá đến mức quên rằng đọc còn có chức năng giải trí nữa. Đọc để giải trí là một nhu cầu thiết yếu và cũng là một điều tốt đối với giới trẻ. Còn hơn việc đi giải trí bằng những thứ linh tinh khác. (cười).

Nhiều người kêu ca rằng văn hóa đọc của người trẻ đã xuống đến mức “đèn đỏ”?

Không hề có chuyện văn hóa đọc của người trẻ xuống đến mức “đèn đỏ”. Quả thật là thời bây giờ có nhiều phương cách tiếp nhận và nhiều loại hình giải trí. Nên người trẻ bị phân tâm, phân tán đi. Đọc không còn là nhu cầu duy nhất.

Bản thân tôi vẫn tin tưởng và lạc quan về sự đọc của người trẻ. Chỉ cần trái tim của người trẻ đủ say mê thì họ không thiếu gì cách để có thể đọc sách.

Nguy cơ lớn cũng chính là cơ hội lớn. Theo ông, cơ hội lớn cho văn hóa đọc của người trẻ “đổi sắc” hiện nay là gì?

Đó là sự phát triển của xuất bản. Có thể nói là chưa bao giờ xuất bản phát triển như hiện nay. Không có chuyện phải thiếu sách đọc như ngày xưa. Bây giờ có rất nhiều các loại sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cơ hội là quá lớn! Giới trẻ ngày nay đang tận dụng nó để chiếm lĩnh tri thức. Và tôi tin là họ sẽ làm được điều này.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc có lần đã nêu ra câu hỏi: “ Thế kỉ XXI liệu có cần đến văn hóa đọc nữa không”. Ý kiến của ông như thế nào về câu hỏi này?

Tôi cho rằng có những thứ chỉ riêng có ở văn hóa đọc. Vì vậy, văn hóa đọc là bất tử.

Theo ông, đâu là cách hữu hiệu nhất để chúng ta “nâng” văn hóa đọc của người trẻ lên một “nấc thang” cao hơn nữa?

Hãy có những cuốn sách thật hay, tự khắc sẽ có nhiều độc giả và văn hóa đọc cũng theo đó mà đi lên!

Theo Báo giấy