Co ro những đứa trẻ vùng cao trong lớp học thông thống giữa trời

TPO - Chúng tôi tới thăm điểm trường mầm non xóm Khuổi Chạo, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên vào đúng đợt lạnh nhất ở miền Bắc này. Những đứa trẻ từ 3-5 tuổi ngồi co ro trong lớp học được làm bằng những thanh gỗ ghép, run lên mỗi khi có đợt gió lạnh luồn qua khe gỗ.
Lớp học "bốn không": không đèn, không quạt, không cửa sổ, không cửa ra vào ở điểm trường mầm non Khuổi Chạo, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: L.A
Lớp học luôn sáng bừng vì ... nắng luồn qua khe gỗ và ô cửa sổ. Ảnh: L.A
Gọi là điểm trường bởi lẽ trường mầm non Khuổi Chạo hiện đang trú tạm trong trường tiểu học Khuổi Chạo và được mượn một phòng làm lớp học. Cả trường mầm non có 53 học sinh nhưng chỉ có hai phòng học: một phòng mượn và một phòng được dựng tạm bằng gỗ.
Bức tường gỗ phía ngoài được một đoàn thiện nguyện tới vẽ tranh, trông đẹp mắt, nếu không, sẽ không ai nghĩ rằng đây là lớp học mầm non. Ảnh: L.A
Cô giáo Hà Thị Đẫm cho biết, phòng gỗ chỉ để các em học bài và vui chơi, còn lúc ngủ trưa, các cô phải di chuyển các em lên phòng trên cho đảm bảo, vất vả vô cùng.
Mùa đông, các em được trải tấm xốp để ủ ấm, dù nắng và gió thì vẫn vô tư lùa vào trong lớp. Ảnh: L.A
Phòng học có trang thiết bị duy nhất là những tấm xốp cho các em ngồi khỏi lạnh. Không có cửa sổ. Không cửa ra vào. Không đèn, không quạt hay điện máy. Trên tường có một vài bức tranh do các cô giáo tự vẽ và minh họa cho các bài học của mình.
Lớp học chơ vơ giữa núi rừng Thái Nguyên. Ảnh: L.A
Phòng học được dựng bằng những thanh gỗ có ưu điểm là rẻ tiền, thoáng mát, nắng rọi qua khe cửa làm sáng bừng lớp học. Tuy nhiên, những hôm trời lạnh chẳng khác nào ngoài trời. Gió lùa qua khe, lạnh xuyên thấu vào da thịt các em.
Phòng học mượn của trường tiểu học Khuổi Chạo. Ảnh: L.A
Hôm chúng tôi tới,  nhiệt độ ở Hà Nội là 13 độ C, nhưng ở đây là 8 độ C. Gió từ núi đá thổi vào khiến cho cái lạnh trở nên tê tái, đến người lớn như chúng tôi còn rét rúm người, nữa là các em nhỏ, dù chúng được sinh ra ở miền núi.

Thế nhưng, khi cô giáo bắt nhịp, cả lớp vẫn say sưa hát vang bài " Mẹ của em ở trường,là cô giáo mến thương" , " Ba thương con vì con giống mẹ...". Thỉnh thoảng, những cơn gió lạnh luồn vào lớp học, mang theo cả cát bụi mù mịt, nhưng dường như chúng đã quá quen thuộc, vẫn thản nhiên đọc bài.

Ba bé đầu tiên (từ phải sang) được mặc quần áo, mũ ấm, nhưng đi dép lê và không bít- tất. Ảnh: L.A
Được biết có đoàn tới thăm và tặng quà, các em được bố mẹ cho mặc những bộ quần áo đẹp nhất, ấm nhất, nhưng tôi vẫn phát hiện ra một số em nhỏ đội khăn len ấm áp, chiếc áo bông kín người, nhưng chân vẫn đi dép và lộ ra đôi chân trần.

Có thể nói, xã Sảng Mộc là xã nghèo nhất của huyện Võ Nhai với tỉ lệ 68% hộ nghèo, còn huyện Võ Nhai, huyện miền núi phía đông bắc của tỉnh Thái Nguyên là huyện nghèo nhất tỉnh. Thôn Khuổi Chạo và Tân Lập là một trong những thôn vùng sâu, vùng xa nhất của xã Sảng Mộc, cách trung tâm xã khoảng 6-10km, đường xá gập ghềnh khó đi.

Cô giáo Hà Thị Đẫm cho biết, nhà cô cách trường 30km và đi làm hàng ngày bằng xe máy. Tuy nhiên, những ngày mưa, cô cũng như các cô giáo trong trường đều phải đi sớm hơn và gửi xe máy ngoài xã, rồi lội bộ vào trong trường vì phận nữ nhi chân yếu tay mềm không thể lái xe qua những đoạn suối chảy xiết hay những đoạn đường lầy lội.

Theo lời cô hiệu trưởng trường mầm non Khuổi Chạo, các học sinh trong trường đa phần là người dân tộc Dao và thuộc diện hộ nghèo. Hiện xã đã cấp đất để xây trường mầm non, nhưng vẫn chưa có nguồn kinh phí để xây trường.

Chương trình “Hướng về đồng bào vùng cao” do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Báo Nghệ Thuật Mới, Quỹ nhà văn Tô Hoài phối hợp tổ chức đã tới thăm điểm trường mầm non Khuổi Chạo để xem xét tình hình thực tế và có những hỗ trợ cần thiết cho trường.

Ngoài việc tặng chăn ấm, bít tất cho các em nhỏ, hy vọng với sự hỗ trợ của chương trình cùng nhiều nhà hảo tâm khác, một ngôi trường sẽ sớm được xây dựng để các thầy cô và em nhỏ có môi trường học hành đảm bảo hơn.