Cơ quan chức năng không thể kiểm soát từng mẻ rượu

Cơ quan chức năng không thể kiểm soát từng mẻ rượu
TP - Ngày 11/12, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, lô rượu sản xuất ngày 12/10/2013 khiến 6 người tử vong sau khi uống đã sử dụng cồn công nghiệp để chế biến vì kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng methanol rất cao.

> 'Phù phép' hơn 10.000 lít rượu độc thành rượu an toàn
> Cục Quản lý thị trường cảnh bảo về 'rượu độc'

Ông Trung cho biết, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu đã được phân cấp rõ ràng, nhưng việc quản lý, giám sát từng mẻ rượu lại gặp nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước chỉ định kỳ đi kiểm tra việc sản xuất rượu chứ không thể suốt ngày rình trước cửa nơi sản xuất để đợi mẻ rượu nào ra lò thì kiểm tra. “Ở nước ngoài cũng vậy, thanh kiểm tra để mang tính răn đe”, ông Trung nói.

Theo quy định, cơ sở sản xuất rượu phải kiểm nghiệm sản phẩm trước khi xuất ra thị trường, nếu đạt điều kiện an toàn mới được phép lưu thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, cơ sở sản xuất rượu gây độc không kiểm tra độ an toàn của rượu này đã đưa đi tiêu thụ gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trung cho hay, cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm chính về sản phẩm của họ từ quy trình, nguồn gốc sản phẩm... Nếu Công ty 29 Hà Nội làm tốt công tác kiểm duyệt thì đã không dẫn đến sự việc nghiêm trọng vừa qua.

Đã có những cơ sở sản xuất, pha chế rượu nhỏ lẻ cố ý cho methanol vào trong rượu nhằm làm tăng nồng độ rượu. Tuy nhiên, theo ông Trung, rượu sản xuất ngày 12/10 của Công ty Rượu 29 Hà Nội có hàm lượng methanol cao hơn 2.000 lần mức cho phép có khả năng không phải do cơ sở cố ý đưa chất này vào rượu mà có thể là do một lỗi, sai sót nào đó trong một khâu hoặc quy trình sản xuất.

Tổ công tác liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm vừa có văn bản gửi các ngành Công Thương, Y tế và cơ quan chức năng tại các địa phương tăng cường phối hợp để ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG